Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Năm 2023, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90%

P.TH 26/12/2022 00:00

Ngày 23/12, UBND tỉnh có quyết định 3532 ban hành kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2023.

Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90%. Ảnh: N.P
Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90%. 

 

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch lần này nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Rà soát, đánh giá chất lượng phục vụ cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trên môi trường điện tử; tập trung triển khai quyết liệt và hoàn thành sớm các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khắc phục, cải thiện kết quả đánh giá của Trung ương, Bộ, ngành và các tổ chức đối với các Chỉ số của tỉnh: chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính (SIPAS), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số chuyển đổi số (DTI).

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời các văn bản hướng dẫn, thi hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác CCHC. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến một phần trên tổng số hồ sơ đạt từ 65% trở lên; số hóa 60% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng lại.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt yêu cầu 90%; trong đó lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt 85% trở lên. Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt 85%.

100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng và được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) theo Kế hoạch số 7781/KH-UBND ngày 24/11/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 131/NQ - CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tỉ lệ TTHC/dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng thêm 20% theo chỉ tiêu Chính phủ giao từng năm.

Tối thiểu 60% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được tích hợp, cho phép thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đảm bảo chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết hằng năm về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước.

Tối thiểu 30% giao dịch thanh toán trực tuyến trên tổng số giao dịch thanh toán đảm bảo chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết hằng năm về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước.

100% kết quả xử lý hồ sơ TTHC được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc giao dịch trên các Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các cấp được xác thực điện tử; người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền thuộc tỉnh.

Phấn đấu chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số (DTI) thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh và trong nhóm 06 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

P.TH