Năm 2022, kinh tế - xã hội Quảng Nam tăng trưởng hầu hết trên các lĩnh vực
Sáng ngày 20/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các ngành và địa phương để: Đánh giá tình hình Kinh tế - xã hội tháng 12, cả năm 2022 và ban hành chương trình công tác năm 2023; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì Hội nghị.
Khởi sắc trong tăng trưởng
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Thử, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 tiếp tục phát triển khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 69.110 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 11,2% cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5-8%); đứng vị thứ 11/63 so với cả nước; 04/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) năm 2022 hơn 116.374 tỷ đồng .
Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 13,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35%, trong đó công nghiệp chiếm 28,9%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 31,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 20%. GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng , tăng 12,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng tăng 4,7% so với năm 2021.
Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,5% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: khai khoáng khác; sản xuất đồ uống; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất xe có động cơ; sản xuất và phân phối điện. Với riêng hoạt động xây dựng, tuy đang gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên, nhiên vật liệu cho xây dựng tăng cao, tiến độ giải ngân vốn ngân sách chậm nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá ổn định.
Khu vực dịch vụ được phục hồi, năm 2022, Quảng Nam đón 4.746.000 lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm, tăng 13 lần so với cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế ước đạt 634.000 lượt, tăng 36 lần so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt 4.112.000 lượt, tăng 12 lần so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ cho thấy sự tăng trưởng khởi sắc so cùng kỳ năm trước, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế.
Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng thấp, chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ, nguyên nhân do vụ Đông Xuân chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa lớn vào đầu tháng 4; vụ Mùa mưa lớn diện rộng đầu tháng 8, đã làm giảm năng suất, sản lượng các loại cây trồng, con vật nuôi. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát; sản xuất lâm nghiệp phát triển tiếp tục duy trì mức tăng trưởng; hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định.
Từ đầu năm đến nay đã cấp mới 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 68,24 triệu USD thuộc các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ. Trong đó, có một số dự án lớn như: dự án nam châm từ tính SGI tại KCN Bắc Chu Lai với tổng vốn đầu tư 39,3 triệu USD; dự án Nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 8,62 triệu USD… Nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 194 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6,05 tỷ USD. Cấp mới 56 dự án với tổng vốn đăng ký 8.566,4 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 968 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 242 nghìn tỷ đồng.
Văn hóa, giáo dục được quan tâm, công tác an sinh xã hội, y tế được đảm bảo
Năm 2022, Quảng Nam đã tổ chức các hoạt động lớn như: Tổ chức thành công Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; phối hợp tổ chức chương trình Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hoà bình” nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ; tổ chức thành công 07 giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế,…
Cùng với đó, Quảng Nam đã thực hiện chu đáo công tác an sinh xã hôi trên địa bàn tỉnh, đó là: Trợ cấp, thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách nhân dịp lễ tết; trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng hơn 812 tỷ đồng và hơn 1.115 tấn gạo cho hơn 140 nghìn cá nhân, hộ gia đình; tổng chỉ tiêu tuyển mới các trình độ giáo dục nghề nghiệp là 22.257 người, đạt 94,7% kế hoạch. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị và mở rộng các Cơ sở y tế, các Bệnh viện tỉnh, Trung tâm y tế huyện, các Trạm y tế xã; đồng thời xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, đậu mùa khỉ và sốt xuất huyết.
Về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Giám đốc Sở LĐTB&XH Trương Thị Lộc cho biết, Quảng Nam dự kiến trao 88.361 suất quà của Chủ tịch nước đến đối tượng chính sách người có công dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, với tổng kinh phí 27.142.500.000 đồng (gồm 02 mức: 300.000 đồng và 600.000 đồng). Đối với quà của tỉnh: Quảng Nam sẽ trợ cấp tiền mặt cho 105.687 người; trao 63.519 suất quà bằng hiện vật tới người dân. Tổng giá trị quà tặng của Quảng Nam trao là 76.267.000.000 đồng. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện kĩ lưỡng từng nhóm nhiệm vụ như: Chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết Nguyên đán, tình hình đời sống nhân dân; hoạt động vui Tết cho trẻ em; phối hợp, tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý các đối tượng và các tụ điểm tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, theo dõi tình hình trả tiền lương, tiền thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ người lao động.
Huy động tối đa nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị ban hành Chương trình công tác năm 2023 với chủ đề “Tập trung phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số; hoàn thành quy hoạch tỉnh và các quy hoạch không gian quan trọng”. Trong đó huy động tối đa nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thành quy hoạch tỉnh và các quy hoạch không gian quan trọng. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá chiến lược. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai. Giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Hội nghị cũng đề ra các chỉ tiêu phát triển trong năm 2023, đối với kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng trên 9,0%; tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP chiếm trên 30%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 26.680 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về xã hội: Phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%,... Với chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,8%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 83%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 98%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Với riêng chỉ tiêu an ninh, quốc phòng: Hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ và động viên quốc phòng; 100% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng; trên 70% xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện; xã, phường, thị trấn an toàn về an ninh, trật tự đạt tỷ lệ 80% trở lên.
Sau khi nghe lãnh đạo các Sở, ngành báo cáo Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường biểu dương những nỗ lực, kết quả mà hệ thống chính trị Quảng Nam đạt được trong năm 2022. Cùng với đó, người đứng đầu Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành rà soát lại các chỉ tiêu chưa đạt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra các giải pháp thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra.
“Năm 2023 sẽ năm mà nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, Quảng Nam phải tính toán kĩ lưỡng, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chỉn chu để chủ động ứng phó với thách thức đang “rình rập”. Đối với công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão, tôi đề nghị các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ, bảo đảm cho mọi trường hợp chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được đón Tết đầm ấm, an vui”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện tốt các nội dung mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quán triệt cùng các ý kiến phát biểu của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Trí Thanh đề nghị các Sở, ngành tập trung triển khai các các nhóm nhiệm vụ quan trọng như: Kết luận của Thủ tướng chính phủ và Chủ tịch Quốc hội để giải quyết các vấn đề “xương sống” của Quảng Nam trong giai đoạn tới; Xây dựng đề án sáp nhập 03 địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh; Giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa các địa phương; Hoàn thiện các công trình giao thông mang tính chiến lược; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân.