Tọa đàm khoa học "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới"
Chiều nay (01/7), Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm khoa học"Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới".
Các đồng chí: Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW; Phan Việt Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Hồng Sơn- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết chủ trì Tọa đàm.
Tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; một số một số chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Phan Việt Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Việc tổ chức Tọa đàm lần này là cơ hội để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề cần quan tâm trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành vùng động lực, đầu tàu kinh tế mạnh, có sức lan tỏa lớn cho cả Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước.
“Tọa đàm được tổ chức tại Quảng Nam là cơ hội rất tốt để chúng tôi được tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích, lĩnh hội những ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học, giúp Quảng Nam nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức để tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong định hướng phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành đầu mối, “trạm trung chuyển quốc tế” đi các nước trên thế giới của khu vực và cả nước trong thời gian đến” đồng chí Phan Việt Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh thành, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng tàn phá nặng nề từ chiến tranh, của thiên tai bão lụt nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Vì vậy, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW). Sau đó, ngày 02/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Mục tiêu của Nghị quyết 39-NQ/TW là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong cả nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế, cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Về định hướng tổ chức không gian phát triển được căn cứ vào điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội và nhằm định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế tạo hiệu ứng phát triển cho cả vùng, Nghị quyết 39-NQ/TW và Quy hoạch của Chính phủ chia Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành 03 tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng Nam Trung Bộ; tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; tiểu vùng Bắc Trung Bộ.
Trên cơ sở đó, ngày 13/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg thành lập Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Với mục tiêu là xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững; là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; chủ quyền biển, đảo được bảo vệ; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái, môi trường sống được đảm bảo; giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phát biểu định hướng Tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học cần tập trung thảo luận làm rõ được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong Vùng, đề xuất được định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Làm sâu sắc kết quả, thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết phát triển kinh tế vùng, nhất là việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua. Làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết phát triển vùng, nhất là trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn….; nhiều thách thức mới xuất hiện như dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu.
“ Đồng thời cần phân tích, đánh giá các kinh nghiệm, mô hình quốc tế về liên kết phát triển vùng để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp vào phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đặc biệt là về thể chế, chính sách và mô hình quản lý, bộ máy. Tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn, các vấn đề đặt ra trong liên kết vùng về các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị; phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tầu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tầu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế; phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch...” đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết, nhấn mạnh.
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã tổ chức nhiều hình thức phối hợp, liên kết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Theo đó, liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã có nhiều thay đổi cả về nhận thức và tư duy của cấp ủy và chính quyền. Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và được cấp ủy, chính quyền các địa phương hưởng ứng, nhiều thể chế, cơ chế, chính sách đã được ban hành; nhiều nguồn lực đã được bố trí, liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã mang lại một số kết quả tích cực.
Tăng trưởng kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011-2019 có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm). Các địa phương nội vùng duy trì được mức tăng trưởng cao. Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm. Tiếp đến là Quảng Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,58%/năm. Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời kỳ dài (11,19%/năm). Tỉnh Bình Định có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,73%/năm.
Tọa đàm khoa học "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới" có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của Vùng thời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trong thời gian tới, đặc biệt là liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.