Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh
Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2437/QĐ-UBND, ngày 19/9/2022.
Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp với các Sở, Ban, ngành, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Hội Công chứng viên tỉnh, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Nam, Cục Thuế, Ủy ban nhân dânn các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh.
Về nguyên tắc phối hợp, Quy chế quy định rõ nội dung phối hợp, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong hoạt động quản lý nhà nước về công chứng. Phát huy tính chủ động, tích cực, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công chứng. Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh.
Các phương thức phối hợp gồm: Trao đổi, cung cấp thông tin trực tiếp hoặc bằng văn bản. Tổ chức các cuộc họp bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về tổ chức và hoạt động công chứng.
Quy chế này quy định cụ thể các nội dung phối hợp như sau:
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng và chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng;
Thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật về công chứng, Nghị quyết về chính sách phát triển nghề công chứng và tình hình thực tiễn của địa phương;
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng; ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ;
Bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Phòng Công chứng; quyết định việc giải thể hoặc chuyển đổi Phòng Công chứng theo quy định của pháp luật;
Ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; quyết định cho phép thành lập và thay đổi, thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; cho phép chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng;
Ban hành mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh;
Trao đổi, cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động công chứng và công chứng viên; chia sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến ngăn chặn tài sản, thông tin về việc hủy bỏ, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hủy, cấp lại trang bổ sung kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...; quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh; kết nối, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu công chứng với Cơ sở dữ liệu về đất đai, thuế, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng và trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh;
Trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực công chứng của công chứng viên; thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dung hoạt động công chứng để phạm tội; dấu hiệu, hành vi vi phạm của công chứng viên đang hành nghề trên địa bàn tỉnh; lấy chữ ký đối với người đang bị tạm giam, tạm giữ;
Thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công chứng…
File đính kèm: Quy chế phối hợp.