Sẵn sàng mọi tình huống, bảo đảm an toàn thông tin cho Cổng Dịch vụ công quốc gia
Với việc lựa chọn Cổng Dịch vụ công Quốc gia làm mục tiêu diễn tập thực chiến, đã cho thấy Văn phòng Chính phủ (VPCP) rất coi trọng công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) trên những hệ thống thông tin quan trọng.
Chiều 13/4, VPCP phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Lễ bế mạc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngày 16/9/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 60/CT-BTTTT về việc tổ chức triển khai diễn tập thực chiến bảo đảm ATTT mạng.
Với chức năng là đơn vị chuyên trách về ATTT của VPCP, ngay từ khi nhận được Chỉ thị, Trung tâm tin học đã trao đổi với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thống nhất Cổng Dịch vụ công quốc gia là hệ thống được chọn để diễn tập thực chiến.
Điểm khác biệt lớn nhất của đợt diễn tập lần này so với các đợt diễn tập trước đó là hình thức tổ chức dưới dạng thực chiến trên hệ thống Cổng Dịch vụ Công Quốc gia mà không có kịch bản từ trước.
Quá trình diễn tập cũng được diễn ra trong thời gian đủ dài để thành viên tham gia có thể phát huy các kĩ năng tấn công và đưa đội ứng cứu vào trạng thái thường trực, sẵn sàng xử lý sự cố như các cuộc tấn công trong thực tế. Đồng thời, các thành viên tham gia đội tấn công hay đội phòng thủ đều là những nhân sự giỏi nhất đến từ những cơ quan, đơn vị công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam.
Sau quá trình diễn tập không kể trong hay ngoài giờ hành chính, bắt đầu từ 10h ngày 4/4 đến 16h ngày 7/4, với sự nỗ lực tập trung cao độ của cả hai phía tấn công cũng như phòng thủ hệ thống, ngày 8/4, Ban tổ chức và Ban giám khảo đã tiến hành tổ chức đánh giá, chấm điểm các đội tham gia.
Ông Bùi Danh Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm tin học (VPCP) cho biết, từ năm 1998, VPCP đã triển khai hệ thống Lotus Domino để xử lý công việc trên môi trường mạng. Trải qua thời gian dài ứng dụng CNTT, đến nay VPCP đã triển khai thành công những hệ thống thông tin có quy mô lớn tạo thành các nền tảng của Chính phủ điện tử.
Cùng với Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia là một trong những hệ thống được nhiều thế hệ lãnh đạo cấp cao dành nhiều tâm huyết, dày công xây dựng và ngày càng khẳng định được giá trị thực tiễn, tạo niềm tin cho công cuộc chuyển đổi số.
"Đến giờ phút này, chương trình diễn tập thực chiến đã thực sự thành công tốt đẹp, đúng kế hoạch. Qua đợt diễn tập cho thấy tất cả các đội tham gia đều đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; hợp đồng tác chiến, khả năng thích ứng linh hoạt, thể hiện được phẩm chất của các chuyên gia hàng đầu về an toàn, bảo mật thông tin", ông Bùi Danh Tuyên thông tin.
Theo ông Bùi Danh Tuyên, trong quá trình diễn tập, Đội Ứng cứu sự cố của VPCP đã tổ chức điều phối và tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm tin học chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và VNPT khẩn trương khắc phục các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật trên hệ thống đang vận hành, tình hình được kiểm soát và chưa phải kích hoạt điều phối ứng cứu sự cố quốc gia.
Ngày 7/4 vừa qua, tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, bảo vệ an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Thủ tướng cũng lưu ý, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan.
"Do đó, VPCP mong muốn được phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các chương trình diễn tập thực chiến thường xuyên hơn, phấn đấu 2 lần/năm", ông Bùi Danh Tuyên nhấn mạnh.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, kể từ khi khai trương (12/2019) đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.557 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã có hơn 1,56 triệu tài khoản đăng ký; hơn 107,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,72 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 3,3 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 738 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 1.211 tỷ đồng; hơn 149 nghìn cuộc gọi tới tổng đài…
Ông Ngô Hải Phan cảm ơn Trung tâm Tin học đã chủ trì, phối hợp với Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và các cơ quan đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thành công chương trình diễn tập thực chiến.
Tại buổi lễ, đại diện tập đoàn VNPT và các đội tấn công, phòng thủ đều cho rằng, với việc lựa chọn Cổng Dịch vụ công Quốc gia làm mục tiêu diễn tập thực chiến lần này, đã cho thấy VPCP rất coi trọng công tác đảm bảo ATTT trên những hệ thống thông tin quan trọng.
Hy vọng thông qua đợt diễn tập này, VPCP và các đơn vị tham gia sẽ duy trì xuyên suốt tinh thần thực chiến, sẵn sàng phản ứng nhanh trước mọi tình huống tấn công mạng nhằm vào hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị mình.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động diễn tập thực chiến của VPCP sẽ là hiệu ứng, động lực để các cơ quan, đơn vị khác tuân thủ, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 60, góp phần nâng cao năng lực đảm bảo ATTT tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba cho các đội tấn công. Trong đó, Giải Nhất thuộc về Công ty An ninh mạng Viettel (Tập đoàn Viettel); Giải Nhì thuộc về Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng); Giải Ba thuộc về Trung tâm CNTT& Giám sát An ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ).
Ngoài ra, 04 đơn vị tham gia đội phòng thủ được trao giải Cống hiến là Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Cục A05 (Bộ Công an), Tập đoàn VNPT, Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng (VPCP).