UBND tỉnh tổ chức họp báo thông báo tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022
Sáng ngày 05/10, UBND tỉnh tổ chức họp báo thông báo tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì buổi họp báo.
Qua 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực; khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng trưởng khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ; khu vực xây dựng tăng trưởng, tuy còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng yếu tố thời tiết bất lợi.
Theo báo cáo tại buổi họp báo, Một số kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tính quý III/2022 tăng cao ở mức 18,7%; GRDP 9 tháng năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ, xếp vị thứ: 8/63 tỉnh, thành phố cả nước, 2/5 trong Khu vực trọng điểm kinh tế Miền Trung, 3/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tăng trên 10%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5-8%).
Quy mô nền kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành); Quảng Nam xếp vị thứ: 19/63 tỉnh, thành phố cả nước; 04/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung; 2/5 tỉnh Khu vực trọng điểm kinh tế Miền Trung. Cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2022: khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 14,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 34,7%; khu vực dịch vụ chiếm 32,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,7%.
Kế hoạch đầu tư công năm 2022 giao đầu năm 5.861,2 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2022 sau khi bổ sung là 6.861,8 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ đạt 97,4% kế hoạch vốn. Kế hoạch vốn còn lại175,9 tỷ đồng, dự kiến sẽ phân bổ và điều chuyển hết trong đầu tháng 10/2022.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện đến cuối tháng 9/2022 là 21.950 tỷ đồng, đạt 93% dự toán, tăng 46% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt hơn 17.143 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ. Đến 30/9/2022, tổng nguồn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 74.803 tỳ đồng, tăng 11,65% so với đầu năm và tăng 14,75% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 91.895 tỷ đồng, tăng 10,23% so với đầu năm và tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế mặc dù nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn thu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa đạt tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra; tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn chậm; dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế tuy nhiên với những biến thể mới dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường...
Nhằm khắc phục những hạn chế, hoàn thành các chỉ tiêu về KT-XH theo kế hoạch đề ra, trong những tháng cuối năm 2022, Quảng Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Rà soát và chủ động đề ra các giải pháp thiết thực, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra; chủ động chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Đồng thời, tập trung triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 những tháng cuối năm 2022. Tiếp tục rà soát, tổ chức thanh tra, kiểm tra, thu hồi các dự án không thực hiện đúng cam kết theo quy định; giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vướng mắc về đất đai. Triển khai các biện pháp thu ngân sách, chống gian lận, trốn thuế, thất thu nợ đọng thuế; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống thiên tai, kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão năm 2022, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là công tác tiêm vắc xin. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, kiểm tra việc phân cấp, ủy quyền cho đơn vị giải quyết một số công việc…
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng đại diện các Sở, ban, ngành đã trả lời các kiến nghị của các phóng viên, nhà báo về một số vấn đề nóng, nổi cộm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, như: Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai; các dự án, công trình chậm tiến độ; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Video tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp báo