Kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh có Báo cáo số 237/BC-STP Kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/9/2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Về công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành, Sở Tư pháp cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tích cực và chủ động tham mưu Chủ tịch Hội đồng ban hành các Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo thực hiện, đồng thời phối hợp với các thành viên Hội đồng để triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng, trong đó chú trọng củng cố và kiện toàn Hội đồng, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền PBGDPL với các hình thức phù hợp và thích ứng an toàn trong tình hình dịch bệnh, hiệu quả và đã đạt được những kết quả nhất định.
Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện sau khi được củng cố kiện toàn có 460 báo cáo viên; trong đó 1/3 đã có trình độ đại học luật; 2/3 còn lại đã tốt nghiệp đại học khác và đã làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên, đảm bảo hình thành một đội ngũ cán bộ tuyên truyền có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và là cầu nối đưa pháp luật đến với cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 2574 tuyên truyền viên cơ sở, hàng năm đội ngũ này được tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền PBGDPL và các kỹ năng khác.
Hội đồng đã triển khai thực hiện các Đề án PBGDPL như: Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL do Sở Tư pháp chủ trì; Đề án Tăng cường PBGDPL trên sóng TH và PT QRT do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chủ trì; Đề án Xã hội hóa công tác PB GDPL và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia chủ trì và Đề án Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ trì thực hiện và các Đề án mới được giao theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Với riêng công tác hòa giải cơ sở, trên địa bàn tỉnh có 1.243 tổ hòa giải với tổng số 6885 hòa giải viên, tổng số vụ việc được các Tổ hòa giải tiếp nhận là 852 vụ việc; trong đó, đã hòa giải thành là 631 vụ (đạt 74,06 %), hòa giải không thành là 160 vụ (chiếm 18,77%) và đang xác minh để tiếp tục hòa giải là 61 vụ việc (chiếm 7,15%). Số vụ việc hòa giải thường tập trung vào các tranh chấp phát sinh từ mâu thuẫn giữa các bên là 104 vụ, các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình là 26 vụ việc, các vụ việc thuộc nội dung khác là 30 vụ. Kinh phí chi thù lao cho các Tổ hòa giải/hòa giải viên là 83.802.200 đồng.
Về công tác PBGDPL, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đến Nhân dân như: Tư vấn trực tiếp, truyền thông qua hội thi, sân khấu hóa, đưa nội dung pháp luật vào các làn điệu dân ca bài chòi, hò, ứng dụng CNTT trong truyền thông,… đã góp phần phổ biến, thông tin các nội dung chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có các vấn đề an sinh như y tế, giáo dục, việc làm cho người dân; pháp luật về gia đình, trẻ em và các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, đánh bạc….; bám sát các vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; các nội dung về bảo đảm quyền con người, quyền công dân… Hoạt động PBGDPL luôn gắn với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật.