Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh về Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện

TS 15/04/2022 00:00

UBND tỉnh đã ký quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Ảnh minh họa.

Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, với một số nội dung:

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung, mức chi, nguyên tắc hỗ trợ và kinh phí thực hiện Thực hiện theo quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. 

Hồ sơ bảo vệ rừng:

Đối với diện tích đã có hồ sơ quản lý, bảo vệ rừng theo dịch vụ môi trường rừng: Tiếp tục thực hiện theo hồ sơ dịch vụ môi trường rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Đối với diện tích rừng tự nhiên thuộc các lưu vực thuỷ điện nhưng chưa tổ chức quản lý, bảo vệ rừng theo dịch vụ môi trường rừng (chưa có hồ sơ), các chủ rừng rà soát, lập hồ sơ đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Riêng đối với diện tích rừng trong lưu vực thuỷ điện tại các xã trên địa bàn huyện đã thành lập Ban quản lý rừng, UBND cấp xã  uỷ quyền cho Ban quản lý rừng lập hồ sơ và tổ chức quản lý, bảo vệ rừng theo dịch vụ môi trường rừng. 

Trường hợp chuyển mô hình giao khoán bảo vệ rừng sang chủ rừng tự tổ chức quản lý bảo vệ rừng (hoặc ngược lại), chủ rừng (đối với đơn vị thuộc cấp tỉnh) hoặc UBND cấp huyện (đối với đơn vị thuộc huyện) có tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để trình UBND tỉnh xem xét, thống nhất. 

Trường hợp tăng thêm diện tích rừng trong lưu vực thuỷ điện nằm ngoài diện tích các lưu vực thuỷ điện hiện tại, các địa phương, đơn vị rà soát, lập hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh kinh phí đảm bảo đơn giá chi trực tiếp cho bảo vệ rừng không thấp hơn 500.000 đồng/ha/năm. 

Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng
Chủ rừng tổ chức quản lý bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (đối với diện tích tỉnh bổ sung kinh phí). 

Hợp đồng Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng:
- Số người hợp đồng và diện tích bảo vệ rừng/người theo từng đơn vị đảm bảo theo Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND.
- Chủ rừng phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư thôn để lựa chọn thành viên tham gia bảo vệ rừng. 
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng do chủ rừng thành lập là những người có đủ sức khỏe, có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Ưu tiên những người đã hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng theo Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh và người địa phương có đào tạo chuyên môn về Lâm nghiệp; bộ đội, công an hoàn thành nghĩa vụ; dân quân tự vệ; thanh niên có trình độ học vấn từ lớp 9 trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt và có tâm huyết tham gia bảo vệ rừng. 
- Những cộng đồng dân cư thôn có diện tích rừng tự nhiên ít, không đủ điều kiện để hợp đồng bảo vệ rừng, thì chủ rừng ghép diện tích rừng này với diện tích rừng của cộng đồng dân cư thôn bên cạnh để tổ chức quản lý, bảo vệ rừng. 
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng: Thực hiện theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và theo quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, chủ rừng giao thêm nhiệm vụ cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng: Tham gia công tác phòng chống thiên tai ở khu vực miền núi (sơ tán dân, giúp đỡ Nhân dân, …); tham gia phòng cháy chữa cháy rừng cơ động, thực hiện việc điều động lực lượng ở khu vực này sang khu vực khác chữa cháy khi cần thiết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo các cấp; tham gia thực hiện và hỗ trợ phát triển kinh tế Lâm nghiệp trong lâm phận và ngoài cộng đồng dân cư. 
- Trường hợp xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái phép, cháy rừng và các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp trong diện tích giao quản lý mà không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời thì chủ rừng xử lý Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết giữa chủ rừng và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Mô hình tổ chức bảo vệ rừng của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng: Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, có thể tổ chức theo các mô hình: Tổ, Đội, Trạm/Chốt bảo vệ rừng (gọi chung là Tổ bảo vệ rừng). Các chủ rừng nêu rõ diện tích giao bảo vệ rừng cho mỗi Tổ bảo vệ rừng kèm theo sơ đồ vị trí, bảng kê diện tích cung ứng theo lô/khoảnh/tiểu khu, trách nhiệm bảo vệ rừng của Tổ bảo vệ rừng; trực tiếp quản lý, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch tuần tra theo hàng tháng và giám sát việc tổ chức bảo vệ rừng của Tổ bảo vệ rừng; các Tổ bảo vệ rừng phân công lịch tuần tra hàng ngày cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. 

Chủ rừng có thể bố trí Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của cộng đồng này sang bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư thôn khác để tránh tình trạng nể nang, ngại va chạm, không tố giác người trong cộng đồng vi phạm về bảo vệ rừng. 

Các chủ rừng chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý bảo vệ rừng và thực hiện bảo vệ rừng trong phạm vi rừng được giao quản lý. Trường hợp để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân cấp xã (tại các huyện chưa thành lập Ban quản lý rừng), chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức quản lý, bảo vệ rừng như các Ban quản lý rừng; sử dụng cán bộ Lâm nghiệp xã và công chức Kiểm lâm làm việc tại địa bàn để theo dõi, đánh giá hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn xã; kịp thời xử lý các vi phạm trong thẩm quyền hoặc đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện xử lý. 

Xác định diện tích, ranh giới cộng đồng dân cư thôn Chủ rừng phối hợp với UBND cấp xã và cộng đồng dân cư thôn xác định cụ thể diện tích, ranh giới từng cộng đồng dân cư thôn trên bản đồ và ngoài thực địa, làm cơ sở để hỗ trợ nguồn kinh phí 20% cho cộng đồng dân cư thôn (đối với diện tích tỉnh hỗ trợ kinh phí). 

Nghiệm thu bảo vệ rừng:  Thực hiện theo Điều 60, Điều 61, Điều 62 và Điều 63 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp (sử dụng số liệu diễn biến rừng hằng năm). 

Sử dụng kinh phí
Đối với nguồn kinh phí bổ sung của tỉnh: Hằng năm, các chủ rừng căn cứ nguồn kinh phí được giao, xây dựng Phương án sử dụng kinh phí theo nội dung, mức chi và nguyên tắc hỗ trợ tại Điều 3 Nghị quyết số 38/2021/NQHĐND trình cấp trên trực tiếp phê duyệt (riêng đối với Vườn Quốc gia Sông Thanh và Vườn Quốc gia Bạch Mã gửi Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt); đồng thời thực hiện thanh, quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước. 

Đối với nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng trên diện tích chủ rừng tự bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh) thì chủ rừng cũng phải chi tối thiểu 80% cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; kinh phí dịch vụ môi trường rừng còn lại chi theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. 

Đơn giá dịch vụ môi trường rừng làm cơ sở để tỉnh bổ sung đạt 500.000 đồng/ha/năm được tính toán trên cơ sở kinh phí bảo vệ rừng dịch vụ môi trường rừng đến chủ rừng chia cho diện tích rừng tự nhiên thực tế ngoài hiện trường (diện tích chưa quy đổi hệ số K) theo từng lưu vực thuỷ điện. 

Công tác tuyên truyền: Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, chủ rừng và cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ cơ chế chính sách, quyền và nghĩa vụ trong thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền vận động và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của chính sách. Tuy nhiên nòng cốt để vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng là Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, già làng, người có uy tín. 

Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh: Tăng cường giám sát công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng kịp thời.
Chi cục Kiểm lâm: Giao nhiệm vụ công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn theo dõi, hỗ trợ, phối hợp cùng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tuần tra bảo vệ rừng; chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp để răn đe, giáo dục.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất Lâm nghiệp quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017 và các văn bản dưới luật có liên quan.
Công an huyện tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp trên địa bàn. 

Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Ban quản lý rừng với Kiểm lâm, các phòng, ban và đơn vị chức năng có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng 

Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời giữa chủ rừng, Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng với Kiểm lâm, các phòng, ban và đơn vị chức năng có liên quan trong công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật Lâm nghiệp trên địa bàn.

Tổ chức đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy chế phối hợp giữa chủ rừng với Kiểm lâm và các lực lượng có liên quan về bảo vệ rừng trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, quý, 06 tháng, cuối năm: Các đơn vị ký quy chế phối hợp báo cáo kết quả công tác phối hợp trong công tác bảo vệ rừng cho đơn vị chủ quản để theo dõi, chỉ đạo. 
 

 

 

TS