Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Toàn tỉnh có 34 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận

Thúy Hằng 10/06/2022 00:00

Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có 45 làng có nghề trong đó có: 34 nghề truyền thống, làng nghề, và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (04 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống).

Ảnh minh họa: Làng Mộc Kim Bồng.

Trong đó, tổng số các cơ sở tham gia sản xuất ngành nghề nông thôn là trên 9.985 cơ sở, giải quyết trên 26,5 nghìn lao động. Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động tại các làng nghề hơn 2.000 cơ sở, giải quyết khoảng 4,2 nghìn lao động. Thu nhập bình quân/người/tháng là 4,62 triệu đồng. Trong số các làng nghề được công nhận, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 04 làng nghề thuộc nhóm ngành Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 15 làng nghề thuộc nhóm ngành Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Các nghề, làng nghề được công nhận phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng và 02 huyện miền núi. 

Việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển được nhiều nghề truyền thống và phát triển các nghề mới. Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch. 

Ngoài ra, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 40 nghệ nhân và thợ giỏi được công nhận, chủ yếu tập trung ở ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Trong đó: Nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước công nhận có 11 nghệ nhân (02 nghệ nhân nhân dân, 09 nghệ nhân ưu tú); Nghệ nhân và Thợ giỏi được UBND tỉnh công nhận có 29 cá nhân (18 nghệ nhân, 11 thợ giỏi). Việc tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi không chỉ khích lệ, động viên tinh thần các cá nhân tâm huyết giữ nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn xây dựng nòng cốt, tạo động lực để các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia thúc đẩy công tác đào tạo nghề, truyền nghề và bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề, làng nghề.

Thúy Hằng