Rà soát quy hoạch các điểm tái định cư phòng, chống thiên tai giai đoạn 2022-2025
Để chủ động di dời các hộ dân vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến tái định cư ở những nơi an toàn hơn thì việc rà soát, quy hoạch các điểm tái định cư ở khu vực miền núi, làm cơ sở đầu tư xây dựng các khu/điểm tái định cư phục vụ bố trí dân cư là biện pháp ứng phó và thích ứng với BĐKH, chủ động trong phòng chống thiên tại.
Theo kết quả rà soát, nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư phòng chống thiên tai trên địa bàn 09 huyện miền núi của tỉnh còn nhiều. Theo báo cáo của UBND các huyện miền núi, tổng số hộ là đối tượng thiên tai cần phải di dời giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND đã được huyện phê duyệt danh sách hộ là 5.280 hộ, trong đó di dời tập trung 2.958 hộ, di dời xen ghép 2.322 hộ.
Theo đó, việc xây dựng Đề án rà soát quy hoạch các điểm tái định cư phòng chống thiên tai khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 là thực sự cần thiết. Qua đó góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND đề ra, đặc biệt là di dời, sắp xếp, bố trí dân cư cho các đối tượng hộ vùng có nguy cơ cao bị thiên tai đến nơi ở mới, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão (Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND đề ra mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư trong giai đoạn 2021-2025 là 7.821 hộ; trong đó, có 2.333 hộ dân vùng thiên tai). Đồng thời, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các điểm tái định cư và thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư phòng chống thiên tại khu vực miền núi được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, trong đó ưu tiên thực hiện đầu tư xây dựng các điểm tái định cư để bố trí cho có hộ gia đình vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai; phù hợp với quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và các quy hoạch khác liên quan trên địa bàn các xã thuộc các huyện miền núi; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư giai đoạn 2017-2020 như đã nêu ở trên.
Theo ông Trương Xuân Tý- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc xây dựng và triển khai rà soát quy hoạch các điểm tái định cư phòng chống thiên tai khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 nhằm đảm bảo cho việc triển khai thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư cho các hộ dân vùng có nguy cơ bị thiên tai; đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân khi bão lũ xảy ra, thích ứng với biến đổi khí hậu. Làm cơ sở, tạo điều kiện cho việc đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các điểm tái định cư tập trung được đồng bộ và thực hiện hoàn thành chỉ tiêu sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2021 – 2025 mà Nghị quyết số 23/2021/NQ HĐND của HĐND tỉnh đã đề ra.
Đề án hướng tới mục tiêu quy hoạch 57 điểm tái định cư phòng chống thiên tai, với tổng diện tích 94,7 ha, quy mô 2.958 hộ; làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tái định cư, phục vụ bố trí dân cư vùng thiên tai giai đoạn 2022-2025.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Đề án cũng yêu cầu việc rà soát, quy hoạch các điểm tái định cư phòng chống thiên tai khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đảm bảo phù hợp với các quy hoạch của các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan; tích hợp vào quy hoạch KT-XH của tỉnh Quảng Nam và quy hoạch vùng huyện. Ưu tiên thực hiện rà soát những điểm tái định cư để bố trí cho hộ gia đình bị sạt lở đất làm mất nhà cửa, hộ ở vùng có nguy cơ thiên tại cao. Phù hợp với địa hình tự nhiên, thuận lợi canh tác sản xuất đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa truyền thống.
Địa điểm rà soát quy hoạch nằm ngoài các điểm cảnh báo của dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" - Khu vực tỉnh Quảng Nam do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao năm 2020, thể hiện trên Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ 1/50.000 (có 93 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất: Nam Trà My 14 điểm, Phước Sơn 13 điểm, Bắc Trà My 30 điểm, Nam Giang 12 điểm, Tây Giang 6 điểm, Đông Giang 4 điểm, Hiệp Đức 6 điểm, Nông Sơn 4 điểm, Tiên Phước 4 điểm).
Việc triển khai rà soát quy hoạch các điểm tái định cư phòng chống thiên tại khu vực miền núi hoạch phải được tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Các địa phương có trách nhiệm quy hoạch các điểm tái định cư đảm bảo có đủ điều kiện về đất ở, đất sản xuất, thuận lợi trong việc kết nối các hạ tầng giao thông, điện, y tế, giáo dục, nguồn nước.
Thực hiện lồng ghép với dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 và các chương trình, đề án, dự án khác; đảm bảo phù hợp với mục tiêu, đối tượng, phạm vi của đề án.
Dự kiến tổng kinh phí xây dựng quy hoạch chi tiết điểm tái định cư phòng chống thiên tai cho giai đoạn 2022 – 2025 là 11.400 triệu đồng. Nguồn vốn thực hiện xây dựng quy hoạch Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh: 9.690 triệu đồng; Ngân sách huyện và lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án khác và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trên địa bàn: 1.710 triệu đồng.
Đề án cũng đề ra một số giải pháp cụ thể như: Rà soát nội dung quy hoạch điểm tái định cư phòng chống thiên tại đảm bảo phù hợp với quy hoạch KT-XH các cấp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện... ở từng địa phương; quy hoạch phát triển các khu, điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện, địa hình tự nhiên, thuận lợi cho canh tác, sản xuất; phù hợp với phong tục, tập quán của người dân bản địa; đảm bảo bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
UBND các huyện cân đối quỹ đất để quy hoạch các điểm tái định theo đúng quy định của pháp luật về đất đai hiện hành và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Đầu tư xây dựng các khu tái định cư phòng chống thiên tai: Thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư theo quy định hiện hành. Có kế hoạch cụ thể để thực hiện đầu tư các dự án, sớm di dời dẫn đến sinh sống, ổn định lâu dài theo thứ tự ưu tiên: Nơi có nguy cơ cao hơn về thiên tại thì được bố trí thực hiện trước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tại gây ra.
Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bố trí sắp xếp, ổn định dân cư miền núi. Chủ động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia (nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) và các chính sách, chương trình, đề án, dự án khác (nhất là Quyết định số 590/QĐ TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030) để đầu tư kết cấu hạ tầng các điểm tái định cư sau quy hoạch.