Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Từng bước nâng cao đời sống nhân dân 02 huyện biên giới

Đình Nguyên 20/10/2022 00:00

Tây Giang và Nam Giang là 02 huyện miền núi cao có 157,364 km giáp với tỉnh Sê Kông của Lào. Trong thời gian qua, Quảng Nam đã tích cực thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho bà con nơi đây.

Văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS là yếu tố quan trọng giúp thu hút khách du lịch

Huyện Tây Giang có 10 xã, trong đó gồm 8 xã biên giới, hiện nay có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Anông, xã Lăng và xã Atiêng. Tây Giang hiện có 11.303 lao động tham gia hoạt động kinh tế, lực lượng lao động qua đào tạo là 2.680 người. Trong năm 2021, thu nhập bình quân của người dân tại đây là 23,6 triệu đồng/ năm (tăng 1,25 triệu đồng so với năm 2019). Với riêng Nam Giang, hiện có 24.469 người/5.350 hộ đang sinh hoạt tại 11 xã, 01 thị trấn. Trong đó, có 14.611 người tham gia hoạt động kinh tế, lực lượng lao động qua đào tạo là 4.195 người, thu nhập bình quân mỗi người đạt 18 triệu/năm. Trong 06 tháng đầu năm 2022, có 28 lao động đi làm việc ở Lào cho các dự án phát triển nông nghiệp chất lượng cao của Công ty Cổ phần Ô tô Chu Lai - Trường Hải. 

Về sự nghiệp giáo dục, hệ thống trường, lớp các cấp học tại các xã biên giới cơ bản ổn định; đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường: 3.302 học sinh Mầm non, tỷ lệ 100%; 5.306 học sinh Tiểu học, tỷ lệ 98,12%; 3.531 học sinh THCS, tỷ lệ 95,66%; 1.488 học sinh THPT, tỷ lệ 62,67%.

Ảnh minh họa

Cùng với đó, công tác chăm sóc y tế cho đồng bào người DTTS cũng được tỉnh quan tâm sâu sắc. Hiện đã cấp 245.178 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ở vùng biên giới, và có 14/14 xã biên giới có trạm y tế và có bác sĩ phục vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của Nhân dân địa phương. 

Hiện nay 14 xã biên giới đất liền của tỉnh đã được cấp điện bằng lưới điện quốc gia đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn, ổn định cho 14 xã biên giới với số hộ dân được sử dụng điện là 6.187 hộ/6.324 hộ, tỷ lệ 97,8%. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn các xã biên giới đất liền đã đầu tư 27 hệ thống nước sinh hoạt với tổng kinh phí đã bố trí khoảng 29 tỷ đồng, góp phần phục vụ nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh cho Nhân dân. 

Đặc biệt, trong thời gian qua, Quảng Nam và Sê Kông đã phối hợp thực hiện tốt nội dung Hiệp định quy chế biên giới giữa hai nước; luôn duy trì tốt các cuộc họp thường niên, ký kết các chương trình hợp tác phát triển giữa hai địa phương; duy trì, đẩy mạnh chương trình kết nghĩa giữa các cụm thôn, bản hai bên biên giới. Từ đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tuyến biên giới đất liền, chưa có xảy ra vụ việc, hiện tượng gì liên quan đến an ninh quốc gia.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng các xã biên giới đất liền. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của 14 xã biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển, thay đổi dần về diện mạo nông thôn, đời sống người dân dần được cải thiện, ổn định cơ bản về chỗ ở, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản được đầu tư, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội biên giới phát triển. Tuy điều kiện sinh hoạt của bà con Nhân dân vùng biên chưa “bắt kịp” đồng bằng, nhưng kết quả đạt được trong những năm qua đã cho thấy được sự khởi sắc trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội địa phương vùng biên.

 

Đình Nguyên