Dự báo từ đêm 30/11 đến ngày 03/12 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ban hành công văn đề nghị các Sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển, mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện nay, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo: Khoảng ngày 30/11, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Trên biển: Từ gần sáng ngày 30/11, ở Vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 9; khu vực Vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2,0-4,0m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 4,0-6,0m; biển động mạnh.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nêu trên kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao hoạt động nên từ đêm 30/11 đến ngày 03/12 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; cường độ mưa to đến rất to tập trung chủ yếu từ ngày 01/12 đến ngày 02/12. Tổng lượng mưa các địa phương phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi cao hơn 400mm.
Để chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển, mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xãy ra; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kính đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, Ban, ngành, các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 371/BCHPCTT&TKCN ngày 25/11/2022 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai trong thời gian tới.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, tin không khí lạnh, thời tiết nguy hiểm trên biển... Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến Nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Chủ động rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước, nơi có nguy cơ sạt lở đất; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt.
Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa lớn, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.
Rà soát, sẵn sàng biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp.
Tổ chức trực ban và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.