Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Chiều ngày 09/3, UBND tỉnh tổ chức họp với các Sở, ngành và các doanh nghiệp liên quan về tình hình khai thác, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông, đất san lấp, đá xây dựng trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng số điểm cát, mỏ đá, đất san lấp đã được quy hoạch thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh là 639 điểm. Trong đó có 279 điểm mỏ cát; 112 điểm mỏ đá; 248 điểm mỏ đất san lấp. Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 46 giấy phép khai thác khoáng sản cát, đá, đất san lấp làm VLXD thông thường còn hiệu lực. Tổng công suất khai thác cát, sỏi theo thiết kế là 279.664 m3/năm; đá: 2.358.48m3; đất san lấp: 1.385.968m3/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 khu vực khoáng sản làm VLXD thông thường được BTV Tỉnh ủy thống nhất, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách. Các địa phương đang khẩn trương triển khai thủ tục tổ chức đấu giá quyền khai thác các điểm mỏ này. Trong đó, có 02 địa phương là Phước Sơn và Nam Giang đã tổ chức đấu giá xong.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp liên quan đã cùng thảo luận, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại cho tình trạng khan hiếm về khoáng sản VLXD thông thường cũng như những biến động giá làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà- Giám đốc Sở TN&MT, trong thời gian qua, một số địa phương chậm tổ chức đấu giá quyền khai thác khoảng sản. Mặt khác, do một số vướng mắc trong quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản nên việc cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản chưa được kịp thời. Hiện nay, số lượng giấy phép khai thác khoảng sản cát, đất san lấp trên địa bàn còn tương đối ít, một số đơn vị thi công trình trên địa bàn tỉnh phản ánh thiếu vật liệu cát, đất san lấp để thi công và có nơi chủ mỏ bán không đúng với giá công bố, giá niêm yết; bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán. Qua theo dõi, thanh tra, kiểm tra nhận thấy vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật, trong đó tập trung chủ yếu ở các hành vi sau: Cắm mốc không đầy đủ, cắm mốc không đúng quy cách mốc; không lắp đặt camera, trạm cân; không cần khoáng sản đưa ra khỏi khu vực khai thác; khai thác vượt ngoài ranh giới cho phép, khai thác vượt công suất, không lập đầy đủ bản đồ hiện trạng mỏ và các hồ sơ, chứng từ theo quy định; nộp báo cáo định kỳ không đúng thời hạn, không đầy đủ thông tin theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trưởng quy định; chậm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ…
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đề nghị các sở ngành phối hợp với địa phương khẩn trương và chủ động tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản, phục vụ nhu cầu thị trường và thi công các công trình; tổ chức lực lượng giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức khai thác theo đúng công suất, trữ lượng đã được phê duyệt, cho phép; tuyệt đối không thực hiện hành vi găm hàng, tạo sự khan hiếm tài nguyên để đẩy giá trục lợi; thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin về pháp lý hoạt động khai thác khoáng sản; niêm yết công khai giá bán của các loại sản phẩm vật liệu xây dựng tại mỏ, thực hiện bán theo đúng giá niêm yết.