Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản

TH 15/02/2023 00:00

Sáng ngày 15/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì hội nghị về công tác xây dựng cơ bản.

Quang cảnh cuộc họp.

Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng kế hoạch vốn năm 2023 tại Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh hơn 7.778 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 3.021 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 4.757 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc tỉnh Quảng Nam, đến hết ngày 31/01/2023, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 các dự án do địa phương quản lý giải ngân hơn 286 tỷ đồng, đạt 3,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, ngân sách trung ương giải ngân hơn 62,7 tỷ đồng đạt 2,1%, vốn ngân sách địa phương giải ngân 223,5 tỷ đồng, đạt 4,7%.

Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài sang năm 2023, tính đến hết ngày 31/01/2023, đã giải ngân hơn 1.321 tỷ đồng, đạt 55,4%. Riêng với nguồn vốn địa phương năm 2022 kéo dài sang năm 2023, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp số liệu kế hoạch vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện xã) năm 2022 đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 do các đơn vị, địa phương đề xuất. Sau khi rà soát với các đơn vị và địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện xã) năm 2022 sang năm 2023.

Qua rà soát, hiện nay còn nhiều dự án đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh các thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết toán hoàn thành theo quy định. Dẫn đến việc nhiều năm không bố trí được kế hoạch vốn thanh toán nợ khối lượng hoàn thành. Tỉnh cũng đã thực hiện thu hồi số tiền thanh toán, tạm ứng vượt so với giá trị quyết toán được duyệt của các hạng mục, dự án, công trình hoàn thành là 55,4 tỷ đồng của 35 chủ đầu tư. Đã thực hiện thu hồi nộp ngân sách nhà nước 527,375 triệu đồng. Đến ngày 01/02/2023, còn lại 49 dự án/công trình/hạng mục thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt, phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước là hơn 54,9 tỷ đồng.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng các Sở, ngành đã thảo luận, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn dẫn tới công tác giải ngân chậm. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Kính đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các địa phương giải quyết sớm công tác giải phóng mặt bằng thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành theo kế hoạch được duyệt. Một số hợp đồng xây lắp thực hiện giai đoạn 2021 - 2022 có giá vật liệu xây dựng tăng đột biến dẫn đến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, hợp đồng thi công kéo dài, ảnh hưởng công tác giải ngân vốn đầu tư. Đặc biệt hiện nay, giá nguyên liệu đất đắp công trình và cát xây dựng giá thị trường cao hơn nhiều so với giá báo liên sở lại không đủ nguồn cung (do các mỏ cát tạm thời đóng cửa) nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Tình hình giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép tăng đột biến và khan hiếm; vật liệu đất đắp cũng làm ảnh hướng lớn đến tiến độ các công trình đã và đang triển khai thực hiện, nhất là đối với các hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn do việc khảo sát, thu thập báo giá của các nhà cung cấp rất khó (không có đơn vị cung cấp thông tin báo giá, thời gian chờ báo giá kéo dài, độ rủi ro về mức chênh lệch giá cao nên trách nhiệm và mức độ rủi ro trong việc thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá rất lớn trong khi giá trị chi phí thực hiện việc thẩm định giá là thấp).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đề nghị các Sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiên độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hành động cụ thể về đầu tư công để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triên khai thực hiện. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án để trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc không để xảy ra tình trạng tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, kiên quyết không để dồn vốn thanh toán vào cuôi năm. Chủ động rà soát giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể, đề xuất cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án khó có khả năng giải ngân hết kế hoạch được giao, bảo đảm hiệu quả vốn đâu tư.

Bên cạnh đó, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá mới làm cơ sở cho các chủ đầu tư cập nhật giá trước khi tổ chức đầu thầu; đặc biệt là các công trình khởi công mới năm 2023 sẽ được phân bổ khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn khi đảm bảo thủ tục. Khảo sát, khắc phục tình trạng thiếu hụt VLXD trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công theo đúng quy định. Có hướng dẫn để triển khai việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư của dự án theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh. Tổng họp báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan về những vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đàu tư để kịp thời tháo gỡ. Tăng cường nhân lực cho bộ phận làm công tác GPMB hoặc đề xuất giải pháp huy động nguồn nhân lực từ các bộ phận chuyên môn thuộc cấp huyện, cấp xã tham gia làm công tác GPMB để sớm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiên độ thi công và tăng tỷ lệ giải ngân. Duy trì thường xuyên hoạt động giao ban XDCB và thành lập các Đoàn kiểm tra để trực tiếp nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.

 

TH