Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Chiều ngày 05/1, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam tổ chức họp giao ban tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp.
Năm 2022, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả nhất định.
Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cộng đồng, gia đình về công tác trẻ em ngày càng nâng lên. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tạo điều kiện để phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc đối tượng trợ giúp xã hội của Nhà nước được hưởng các chế độ theo quy định; trẻ em được tham gia nhiều hơn trong các hoạt động, sự kiện, ý kiến trẻ em ngày càng được tôn trọng, các đề xuất, sáng kiến của trẻ được lắng nghe, chia sẻ, thực hiện; trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và trẻ em vi phạm pháp luật giảm dần; các hoạt động Vì trẻ em đã được đầu tư hiệu quả, tập trung; hoạt động truyền thông, tư vấn được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, chú trọng; các vụ việc vi phạm quyền trẻ em đã được các cấp giải quyết kịp thời. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã từng bước đáp ứng các yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ/dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Cũng trong năm 2022, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em đã huy động từ các tổ chức, cá nhân cho hoạt động Bảo trợ trẻ em với tổng số tiền là gần 5,9 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch. Quỹ đã tập trung hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết nguyên đán; ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, trao, tặng xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khám sàng lọc trẻ em bị khiếm thính; khám sàng lọc và phẫu thuật tim cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương và một số ngành, đơn vị, tổ chức, gia đình và cộng đồng chưa thực sự quan tâm sát đúng, thường xuyên, tích cực đối với công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch và đề án tổng thể, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn quá nhiều bất cập. Tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước hậu quả nặng nề; trẻ em làm trái pháp luật tuy có giảm nhưng tình hình sử dụng lao động trẻ em ở những ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn còn xảy ra; tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện games, điện tử, trẻ em truy cập các trang mạng internet có nội dung độc hại hoặc các trò chơi không lành mạnh có nguy cơ gia tăng.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều, trong năm 2022 các cơ quan tố tụng đã thụ lý giải quyết 16 vụ hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, đa số nạn nhân trong các vụ án đều ở tuổi dưới 13 tuổi, nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục các cháu lại chính là người thân trong gia đình; xảy ra nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều vụ việc các cháu bị xâm hại trong thời gian dài mới được phát hiện xử lý. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn chưa đầy đủ; một số gia đình do điều kiện kinh tế còn khó khăn, công việc không ổn định, đi làm ăn xa nên thiếu sự quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cháu nên dẫn đến nhiều trẻ em có nguy cơ bị mua bán, bạo lực, xâm hại.
Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc- Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2023, cần tập trung thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ sau: Tổ chức các chiến dịch/hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em. Củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cha mẹ trẻ và trẻ em. Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em...
Thống nhất với những kiến nghị tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị BCĐ phát huy hơn nữa vai trò của mình, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trẻ em; đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, sở, ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tiếp tục tổ chức phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh, điều tra, xác minh, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng đối tượng, tránh bỏ sót, dung túng, bao che cho đối tượng.
Song song đó, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng, vùng, miền. Đẩy mạnh hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, tích cực vận động nguồn lực xã hội để trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các cấp cơ sở…