Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Dấu ấn sản phẩm OCOP

Báo Quảng Nam 26/01/2023 00:00

Rất nhiều người trẻ xứ Quảng đã tạo được dấu ấn trên hành trình khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP. Thành công của họ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Thành công của những người trẻ

Là dược sĩ, sau khi lập gia đình, chị Phạm Thị Duy Mỹ mở quầy thuốc tây ở thôn Kiệu Châu (Duy Sơn, Duy Xuyên). Vì đam mê, năm 2015 chị làm bột ngũ cốc dinh dưỡng từ 14 loại hạt để người thân và bạn bè dùng thử. Được nhiều người khen ngợi là sản phẩm chất lượng tốt, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng khá lớn nên chị Mỹ quyết định đầu tư bài bản sản xuất bột ngũ cốc.

Nhiều sản phẩm OCOP của những người trẻ khởi nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ.

Trải qua khó khăn ban đầu, năm 2021, sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng 14 loại hạt mang thương hiệu “Duy Oanh” của chị Mỹ đạt chuẩn OCOP 3 sao và chị được UBND huyện Duy Xuyên hỗ trợ sau đầu tư 139 triệu đồng theo cơ chế của tỉnh.

Ngoài bột ngũ cốc dinh dưỡng 14 loại hạt, thời gian qua chị Mỹ còn đầu tư phát triển 10 loại sản phẩm mới như bột và trà gạo lứt đậu đen xanh lòng quê, ngũ cốc hạt Granola, hạt sen tươi và khô Trà Lý, thanh gạo lứt hạt và rong biển...

“Hiện nay bình quân mỗi tháng cơ sở của tôi bán ra 1.000 sản phẩm các loại và đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng” - chị Mỹ nói.

Giữa tháng 11/2022 đến nay, không khí lao động ở nhà xưởng của Công ty CP Caromi (Đông Phú, Quế Sơn) khá nhộn nhịp. Hơn 10 công nhân hối hả chế biến, phơi sấy, đóng gói sản phẩm phở sắn và bánh tráng sắn để kịp giao hàng cho các đầu mối tiêu thụ lớn phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Quý Mão.

Chị Lê Thị Kim Ánh - Giám đốc công ty cho biết, sau khi xây dựng hoàn chỉnh dự án “Phở sắn Caromi”, tháng 8/2018 vợ chồng chị thành lập doanh nghiệp và bắt tay sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Chỉ vài tháng sau, dự án của công ty tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên năm 2018 và đoạt giải nhất.

Theo chị Ánh, 4 năm nay, ngoài sản phẩm chủ lực là phở sắn, công ty còn sản xuất và cung ứng ra thị trường bánh tráng sắn. Năm 2019, sản phẩm phở sắn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến năm 2021, phở sắn được nâng hạng lên 4 sao OCOP và công ty có thêm bánh tráng sắn đạt chuẩn OCOP 3 sao.

“Bình quân hằng năm, công ty thu mua khoảng 40 tấn sắn nguyên liệu khô để chế biến đưa ra thị trường tiêu thụ 30 tấn sản phẩm phở sắn và bánh tráng sắn, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng.

Thị trường tiêu thụ chính là hệ thống siêu thị Coopmart, Vinmart và các cửa hàng thực phẩm sạch từ Bắc vào Nam. Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, sản phẩm phở sắn đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Thái Lan và hiện có một số đối tác ở châu Âu liên hệ làm việc với công ty để liên kết tiêu thụ sản phẩm” - chị Ánh chia sẻ.

Cần sự tiếp sức

Chị Phạm Thị Duy Mỹ cho biết, dự án “Ngũ cốc Duy Oanh, thương hiệu nông sản Quảng Nam” của chị vừa được UBND tỉnh công nhận đoạt giải nhất trong cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Quảng Nam năm 2022. Đây là nguồn động viên để chị tiếp tục chặng đường mới trên hành trình khởi nghiệp.

“Thời gian tới tôi dự tính đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Do khả năng tài chính còn eo hẹp, tôi mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện thực hiện ý tưởng của mình” - chị Mỹ nói.

Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - chế biến - tiêu thụ nấm Nhì Tây (Bình Lâm, Hiệp Đức) cho biết, năm 2018 sản phẩm nấm bào ngư sấy tẩm gia vị của đơn vị đạt chuẩn OCOP 3 sao và đến năm 2021 sản phẩm trà linh chi túi lọc được xếp cùng hạng sao.

“Hợp tác xã dự kiến năm 2023 sẽ nâng hạng sản phẩm trà linh chi túi lọc từ 3 sao lên 4 sao và phát triển mới một số sản phẩm. Do diện tích nhà xưởng nhỏ hẹp nên chúng tôi mong được bố trí khu đất rộng khoảng 1 - 2ha trong cụm công nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất” - chị Thủy nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ năm 2018 - 2022, Quảng Nam đã chi 81 tỷ đồng cho việc thực hiện chương trình OCOP. Trong 3 năm tới, mỗi năm tỉnh sẽ dành 20 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình này.

Trong đó, chủ yếu hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị máy móc cũng như triển khai những phần việc quan trọng khác để phát triển các sản phẩm chủ lực đạt chuẩn OCOP. Phấn đấu hằng năm có khoảng 100 sản phẩm đăng ký phát triển mới và nâng hạng sao OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, nhất là những bạn trẻ khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP.

“Vấn đề là họ cần dám nghĩ dám làm, biết lựa chọn những sản phẩm thế mạnh để đầu tư phát triển thành các sản phẩm OCOP mang tính hàng hóa...” - ông Bửu nói.

 

 

Báo Quảng Nam