Thông tin chỉ đạo điều hành

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023

Q.H 13/12/2022 00:00

UBND tỉnh vừa có Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 102 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 15 huyện, thị xã, thành phố (trừ Nông Sơn, Nam Trà My và Tây Giang), buộc phải tiêu hủy 2.627 con lợn; 92 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 12 huyện, thị xã, thành phố, với 844 con trâu, bò mắc bệnh, 151 con bị chết và tiêu hủy; 10 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) tại 05 huyện, thị xã, buộc phải tiêu hủy gần 18.000 con gia cầm; 03 ổ dịch bệnh Dại tại 03 huyện. Đến nay, các loại dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tính đến ngày 07/12/2022, trên địa bàn toàn tỉnh còn 05 ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm chưa qua 21 ngày (bệnh DTLCP còn 03 ổ dịch tại Thăng Bình, Hiệp Đức và Bắc Trà My; bệnh VDNC còn 01 ổ dịch tại thành phố Tam Kỳ; bệnh CGC còn 01 ổ dịch tại huyện Quế Sơn.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 (Internet)

Nhận định nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra vào cuối năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do: Kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh (DTLCP, CGC) lưu hành ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương; tổng đàn gia súc, gia cầm lớn trong khi chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm đa số, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế;  tỷ lệ tiêm phòng các bệnh bắt buộc đối với đàn gia súc đạt thấp (bệnh LMLM tiêm được 53%, bệnh DTLCP tiêm được 25%, bệnh VDNC tiêm được 24%), đàn gia cầm hầu như không được tiêm vắc xin phòng bệnh (trừ một số trang trại và cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh); (iv) nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh; (v) thời tiết biến động bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu UBND cấp huyện chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y. Đồng thời, bố trí nguồn lực tổ chức rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dại động vật. Cùng với đó, chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.

Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Đối với các huyện có đường biên giới với nước Lào (Nam Giang, Tây Giang) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y và theo chủ trương của Trung ương để đảm bảo các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo qui định. Cung ứng kịp thời các loại vắc xin, hóa chất từ nguồn ngân sách của tỉnh và của trung ương hỗ trợ cho các địa phương để chủ động xử lý môi trường nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.

Q.H