Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022
Ngày 3/11, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND về tăng cường giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Theo đó, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022: đến ngày 31/01/2023 giải ngân đạt 95-100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; đối với kế hoạch vốn năm 2021 đã được phép kéo dài sang năm 2022, đến ngày 31/12/2022 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Chủ đầu tư dự án tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó lưu ý các văn bản Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, Công điện 126/CĐ-TTg ngày 12/02/2022, Công điện 307/CĐTTg ngày 08/4/2022, Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 05/10/2022, Chỉ thị 19/CTTTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị15-CT/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định 352/QĐ-UBND ngày 10/02/2022 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương, Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của đơn vị, địa phương. Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ, để trung ương thu hồi kế hoạch vốn.
Khẩn trương hoàn thành thủ tục, phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đến danh mục dự án, đặc biệt là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư. Các dự án mới đã hoàn thành thủ tục đầu tư và được phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 phải khẩn trương triển khai công tác đấu thầu để giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Kiên quyết rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, dự án đang vướng về thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu và khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn bổ sung.
Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân từng dự án; nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2021 kéo dài của các dự án được giao theo quy định của Luật Đầu tư công; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; yêu cầu Ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan được giao quản lý dự án về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án, tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản, tránh việc chậm, kéo dài thời gian thực hiện dự án làm phát sinh chi phí đối với dự án do thay đổi giá cả nguyên vật liệu, nhân công và để tiết kiệm chi phí dự phòng của dự án.
Đối với các đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đến hết ngày 30/10/2022 dưới mức trung bình của cả tỉnh cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan; nghiêm túc rút kiểm điểm và đề ra những giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
File đính kèm: Chỉ thị.