Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh họp phiên thứ tư
Chiều ngày 24/3/2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số (CCHC&CĐS) tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên họp thứ 4. Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phan Việt Cường và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Lê Văn Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp. Tham dự có các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Sau khi có kết luận phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo về CCHC&CĐS tỉnh Quảng Nam (Thông báo kết luận số 06- TB/BCĐ ngày 26/12/2022), các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã quyết liệt vào cuộc triển khai và trong quý 1/2023 đã cho thấy nhiều đổi thay rất lớn về hoạt động CCHC & CĐS.
Vào cuộc quyết liệt
Về công tác CCHC, Sở Nội vụ đã tham mưu, thay thế Quy chế đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó hướng dẫn cụ thể quy trình, tiêu chí đánh giá, xếp loại; quy định thời gian hoàn thành việc đánh giá chỉ số CCHC của cơ quan, địa phương, đơn vị trước ngày 15/11 hằng năm. Hiện nay, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng có từ 10% hồ sơ trễ hạn trở lên thì không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nếu kết quả xếp hạng cải cách hành chính đạt mức trung bình trở xuống; xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu kết quả cải cách hành chính của cơ quan 02 năm liên tục xếp hạng trung bình; tập thể lãnh đạo xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có kết quả xếp hạng CCHC hạng tốt. Đã triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối liên thông cao phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa cho biết, thực tiễn vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác CCHC như một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính tỉnh. Hồ sơ trễ hạn trên Hệ thống một cửa điện tử còn cao tại cấp huyện, cấp xã; tập trung chủ yếu lĩnh vực đất đai, chưa giảm được xuống dưới 5%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính còn thấp. Việc hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác CCHC giữa các sở, ban, ngành; giữa cấp tỉnh với cấp huyện trong thời gian qua còn thiếu gắn kết. "Tỉnh chưa triển khai số hóa hồ sơ hộ tịch do đó chưa triển khai thực hiện cấp bản sao giấy tờ hộ tịch cho cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu. Đồng thời, cũng chưa giảm các loại giấy tờ về hộ tịch phải nộp khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp và UBND cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn do yêu cầu phải có tài khoản định danh cá nhân mới thực hiện được".
Giám đốc Sở Nội vụ kiến nghị, để nâng cao chất lượng công tác CCHC&CĐS trên địa bàn tỉnh, tới đây cần tập trung rà soát, đánh giá toàn diện tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Xem xét, quyết định mô hình và tổ chức hoạt động của Trung tâm nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC của người dân, tổ chức. Nghiên cứu, tham mưu triển khaiMô hình “Không gian hành chính phục vụ” nhằm tạo cảm giác thoải mái, thư giãn, gần gủi giữa người dân, doanh nghiệp và công chức, viên chức, nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa các cấp. Qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có được trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng các dịch vụ hành chính công.
Phiên họp được nghe Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Quảng báo cáo về hoạt động chuyển đổi số. Theo đó, năm 2023, Quảng Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thực hiện việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công tỉnh với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; đưa vào vận hành thử nghiệm kho lưu trữ điện tử dùng chung của tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, lưu trữ hồ sơ của các ngành, địa phương; triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giao chỉ tiêu tỷ lệ DVC trực tuyến các ngành, địa phương, thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ dưới hình thức trực tuyến, triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh, đảm bảo năng lực triển khai Chính quyền số và đô thị thông minh; Nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng WAN của tỉnh kết nối đến cấp xã; thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); Khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có từ các cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống của tỉnh. Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL dùng chung, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP; Tổ chức triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; triển khai các giải pháp phòng, chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với hệ thống tập trung của Bộ Thông tin và Truyền thông. "Hiện nay, đội ngũ công chức làm công tác CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh còn thiếu và yếu. Một số cơ quan đơn vị chưa có cán bộ CNTT. Đây là khó khăn trong thực hiện Chuyển đổi số, triển khai Chính quyền số của tỉnh. Do đó, đề nghị Ban Chỉ đạo quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ CNTT trên địa bàn tỉnh. Đối với cấp cơ sở, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã triển khai thành lập hơn 900 tổ công nghệ cộng đồng thôn/khối phố với hơn 4.000 người tham gia, thành viên đa số là cán bộ thôn, khối phố kiêm nhiệm. Để phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ cộng đồng, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng để phát huy vai trò lực lượng này trong chuyển đổi số" - Giám đốc Sở TT&TT Phạm Hồng Quảng kiến nghị.
Tháo gỡ vướng mắc
Phiên họp đã tiến hành thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế để đưa ra hướng chỉ đạo khắc phục. Theo Phó, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, sau khi thực hiện kết luận phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, ngày từ đầu năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, các sở ngành, địa phương vào cuộc đồng bộ thực hiện đạt nhiều kết quả, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính, công tác tuyên truyền CCHC&CĐS đến toàn thể cán bộ và nhân dân hưởng ứng thực hiện. Tuy nhiên, thực tiễn cũng biểu lộ một số vướng mắc về cơ chế như hiện nay dùng ứng dụng CNTT thì phải có bước thử nghiệm đánh giá hiệu quả, mà luật thì không nói vấn đề này. Cạnh đó thì chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách CNTT, nhiều tỉnh trong cả nước đã làm để khuyến khích, đãi ngộ, đề nghị Ban Chỉ đạo giao UBND tỉnh chủ trì tham mưu.
Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho biết, hiện nay cái vướng nhất đó là Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh. Khi ban hành, nghị quyết chưa có danh mục đầu tư cụ thể nên khó thực hiện. Mà nếu cố thực hiện cũng không thể phân bổ vốn được do không đúng quy định. Do vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 33 theo danh mục công việc cụ thể. Từ đó sẽ bố trí kinh phí ngay từ đầu năm để triển khai thực hiện thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Phiên họp cũng được nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, trao đổi một số công việc. Đồng chí cho biết, chương trình chuyển đổi số nhiều nơi làm rất mạnh và hiệu quả, chừ mình làm không kịp thì tụt hậu. Như cơ sở dữ liệu dân cư về đất đai người ta đang làm rất mạnh, mình không theo kịp các tỉnh. Mà hậu quả cuối cùng là người dân phải gánh chịu việc này. Đây là trách nhiệm của Ban Chỉ đạo nên phải bàn kỹ, sắp đến làm những việc gì cụ thể để tháo gỡ vấn đề này. Về việc hợp nhất cổng dịch vụ công của tỉnh với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh phải sớm giải quyết để phục vụ nhân dân. Về cơ chế tài chính nếu vướng thì phải xem trách nhiệm thuộc đơn vị nào từ đó đôn đốc giải quyết. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo là thảo luận, tháo gỡ những vấn đề lớn.
Kết luận Phiên họp, đồng chí Phan Việt Cường đánh giá công tác CCHC&CĐS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có những kết quả khả quan. "Từ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, các thành viên Ban Chỉ đạo và các sở ngành tập trung xây dựng lộ trình giúp Ban Chỉ đạo vào cuộc tháo gỡ. Bám sát vào Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Nhị quyết 33 của HĐND tỉnh để thực hiện công tác CCHC&CĐS cho sát thực tiễn. Tập trung rà soát, xác định lại vai trò của Ban Chỉ đạo để tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt đạt chỉ tiêu đề ra. Phải cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ thì mới làm thắng lợi" - đồng chí Phan Việt Cường yêu cầu.
Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS cũng đề nghị các đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát nhiệm vụ, tổ chức phân công công việc cụ thể trên từng lĩnh vực CCHC, CĐS để kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện. Tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương đang làm tốt để về rút kinh nghiệm áp dụng thực hiện tại tỉnh mình trên tinh thần bám sát Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy để triển khai./.