Tập huấn điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số
Trong 2 ngày 23-24/5/2024, Cục Thống kê Quảng Nam phối hợp với Ban dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế -xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (Điều tra DTTS 2024).
Hội nghị tập huấn cho đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Cục Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng dân tộc các huyện
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện căn cứ theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số; cuộc điều tra này với chu kỳ 05 một lần. Năm 2024 là lần thứ 3 tổ chức thu thập thông tin đánh giá về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số trên phạm vi toàn quốc (hai lần trước đó là năm 2015 và 2019).
Cuộc điều tra lần này được thực hiện theo Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 về việc ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong đó 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống.
Đối tượng điều tra của Điều tra DTTS 2024 bao gồm: Hộ dân cư người dân tộc thiểu số (Hộ DTTS); Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ DTTS tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an; Tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg.
Đối với Hộ DTTS, Điều tra dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ thu thập các các thông tin, gồm: Nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; thông tin người chết của hộ trong 12 tháng qua (từ 01/7/2023 đến 30/6/2024); nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; đất ở, đất sản xuất của hộ; một số loại gia súc chủ yếu của hộ; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.
Đối với UBND xã, Điều tra sẽ thu thập các thông tin: Đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; Trường học và trình độ giáo viên; Nhà văn hóa; Y tế và vệ sinh môi trường; Chợ và cụm/khu công nghiệp; Trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; Tôn giáo, tín ngưỡng; Mức độ phủ sóng điện thoại và internet.
Cuộc điều tra DTTS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được tiến hành ở 12 địa phương với 198 địa bàn điều tra (quy mô gần 6.500 hộ) tại 75 xã, phường, thị trấn có dân tộc thiểu số sinh sống, đồng thời thu thập thông tin của 70 xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg.
Tham gia Hội nghị tập huấn lần này, các giám sát viên sẽ được phổ biến về nghiệp vụ với các nội dung chính như: Xác định hộ dân cư và nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ; giới thiệu và hướng dẫn về các phiếu điều tra; Hướng dẫn sử dụng trang Web tác nghiệp điều tra và phần mềm CAPI, thảo luận toàn bộ nội dung liên quan đến nghiệp vụ điều tra.
Phát biểu tại hội nghị tập huấn, ông Lê Nho Hùng- Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Điều tra DTTS năm 2024 cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn, cán bộ, đảng viên, di cư tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Những dữ liệu này rất quan trọng để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Ông Đặng Tấn Giản-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cũng cho biết thêm: Kết quả của cuộc điều tra năm 2024 sẽ là nguồn dữ liệu để đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể, Chiến lược công tác dân tộc, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030… Đồng thời, làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.