Thông tin chỉ đạo điều hành

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Quảng Nam giảm còn 22,5%

QTI 03/06/2024 08:37

Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng tây tỉnh Quảng Nam vừa có Thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển Vùng Tây tỉnh Quảng Nam.

 

Một góc trung tâm hành chính Tắc Pỏ huyện Nam Trà My

Theo đó, ngày 20/5/2024, Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển Vùng Tây tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên họp thứ tư nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến; tham dự phiên họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thời gian qua, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian đến và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận:

Đến nay, các nội dung theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo được quan tâm triển khai thực hiện đạt được một số kết quả bước đầu. Tổng nguồn vốn đầu tư vào khu vực miền núi đạt khoảng 34 - 35%, chủ yếu để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Có 07/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch Nghị quyết số 12-NQ/TU đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước của 09 huyện miền núi đến cuối năm 2023 khoảng 1.802 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,13 triệu đồng/năm, tăng gần 04 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,41%, tổng số xã miền núi đạt chuẩn NTM 34/93 xã, có 98,81% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,91%; việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đạt được một số kết quả; thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; tinh thần đoàn kết ngày càng được phát huy; hệ thống chính trị các cấp cơ sở được củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Chỉ đạo và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Có 08/15 chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết số 12-NQ/TU đề ra; trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng khó đạt, như: Thu nhập bình quân đầu người, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu…; nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa đảm bảo hạ tầng giao thông kết nối; vẫn còn nhiều hộ dân chưa có điện sinh hoạt; việc sắp xếp ổn định dân cư còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện các chương trình MTQG đạt thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; ý thức tự lực vươn lên của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách…

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với thực hiện tốt mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển 05 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây đã đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy; Ban Chỉ đạo đề nghị:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan tập trung tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy, trong đó, tập trung triển khai 05 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây và các giải pháp để cải thiện các chỉ tiêu khó đạt như nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ phủ sóng di động, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, sắp xếp dân cư...

Tập trung hoàn chỉnh quy hoạch vùng huyện, đặc biệt là quy hoạch 03 loại rừng gắn với quy hoạch quân khu đảm bảo đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2024 (Quy hoạch 72).

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt 03 chương trình MTQG theo tinh thần Thông báo số 752-TB/TU, ngày 23/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và thực hiện kịp thời việc điều chuyển vốn theo Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18/01/2024 của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của các Chương trình MTQG. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế rừng, kinh tế trang trại; chú trọng việc quảng bá, nhân rộng và phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng miền núi. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư; quảng bá các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái như làng cổ Lộc Yên, Cổng trời Đông Giang, Hòn Kẽm Đá Dừng, du lịch sâm..., phát triển du lịch gắn với các địa điểm di tích lịch sử. 

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức rà soát, đề xuất danh mục dự án để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh và Trung ương phù hợp với Quy hoạch 72 và quy hoạch vùng, nhất là quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối tỉnh, huyện; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các tuyến đường do Trung ương đầu tư xây dựng.

Sớm triển khai các đề án theo Quy hoạch 72, nhất là Trung tâm dược liệu Sâm Ngọc Linh, dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao. 

Rà soát, cân đối ngân sách để hỗ trợ các địa phương miền núi tiếp tục triển khai hoàn thành chỉ tiêu thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa và các Đề án bảo tồn, phát huy văn hóa miền núi.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét lại các chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ về công tác tại các địa phương miền núi (Đề án 500, Đề án 600); báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

3. Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu, nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực, cố gắng, vươn lên thoát nghèo, hăng say lao động, sản xuất, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

4. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo: 

Rà soát lại 88 đầu công việc theo Chương trình công tác số 01-CTr/BCĐ, ngày 05/4/2022 của Ban Chỉ đạo, tham mưu điều chỉnh lại các đầu việc phù hợp với tình tình thực tiễn, báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến và trình Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.

Chuẩn bị nội dung sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; lưu ý, việc đánh giá sát đúng thực tế tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra; trường hợp cần thiết, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu của Nghị quyết phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và quy định của Nhà nước và các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thời gian đến.

Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương sáp nhập BCĐ xây dựng và phát triển vùng Tây vào Ban Chỉ đạo mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và thống nhất chỉ đạo, điều hành thực hiện các dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ tư, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện.

QTI