Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng
Sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Tại lễ phát động này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến mô, tạng.
Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức.
Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" do Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.
Trước khi bắt đầu chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, tặng quà, trò chuyện với các bệnh nhân ghép gan, ghép thận và ghép tim tại Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
"Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp. Hôm nay, chúng ta rất vui mừng, xúc động tới dự "Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người" tại Bệnh viện Việt Đức - Bệnh viện tuyến Trung ương hàng đầu về phẫu thuật của cả nước", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh: Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Chúng ta rất tự hào, mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: Thứ nhất: Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; Thứ hai: Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế; Thứ ba: Đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện chỉ hơn 86 nghìn người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại VIệt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ rất nhiều để tăng nguồn hiến mô tạng từ chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng đến nay đã triển khai việc này tại 9 bệnh viện, đáng lưu ý, đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện vận động hiến tạng trên toàn quốc với 68 bệnh viện. Tỷ lệ chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022; Tính riêng 4 tháng năm 2024, số người chết não hiến tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.
"Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; Ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin.