Phòng, chống thiên tai

Nâng cao chất lượng dự báo, chủ động phòng chống thiên tai

HUỲNH DIỄM 31/05/2024 08:31

Chiều ngày 30/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian đến. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2023, thời tiết thủy văn tỉnh Quảng Nam ít có biến động lớn, một số loại hình thực tiết cực đoan diễn biến phức tạp như: các đợt nắng nóng tập trung trong tháng 5 (nhiệt độ cao nhất, nhiều đợt nắng nóng), tháng 8 (số ngày nắng nóng dài nhất); mưa lớn cực đoan (lên đến 115mm/1 giờ) trong các đợt mưa tháng 11/2023; mưa đá, gió lốc, dông sét xảy ra trong tháng 4/2023…

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN báo cáo tại hội nghị.

Trong năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của 3 đợt thiên tai, từ ngày 11 - 18/10, từ 30/10 - 01/11, từ 12/11 -  17/11. Ảnh hưởng của các đợt thiên tai và dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng… của Nhà nước và nhân dân, gây thiệt hại 266 tỷ đồng.

Năm 2023 đã xảy ra 48 vụ tai nạn, sự cố trên biển làm chết 16 người, mất tích 17 người, chìm 7 tàu, hỏng 6 tàu, chủ yếu xảy ra tại các vùng biển xa; có 4 vụ/4 phương tiện tàu vận tải trôi dạt, chìm đắm. Từ đầu năm 2024 đến nay xảy ra 23 vụ/11 phương tiện/13 ngư dân tai nạn trên biển (mất tích 1 người, 4 người tử vong, 8 người bị thương).

Thời gian qua, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng. Đến nay, có 15 địa phương đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2025; 4 địa phương rà soát, phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, cũng như các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Quyết định của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu chỉ đạo hội nghị

UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh đã kịp thời ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp cơ bản: Sơ tán người, di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản, thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đối với cơ sở hạ tầng, sản xuất; vận hành hợp lý hồ chứa nước; kiểm tra phát hiện sự cố; hướng dẫn hạn chế người và phương tiện; đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc; tuân thủ chỉ đạo huy động khẩn cấp để kịp thời ứng phó thiên tai… Sau các đợt thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng các quy định hiện hành.

Tại hội nghị, đại diện các Sở, ngành, địa phương trình bày các tham luận, bao gồm: Làm rõ về công tác tham mưu, kiện toàn Ban Chỉ huy PTDS theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự; Côn g tác TKCN tàu cá và ngư dân Quảng Nam bị tai nạn, sự cố trên biển; Phương án chuẩn bị ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn huyện Quế Sơn; Phòng, chống ngập lụt ở khu vực đô thị trên địa bàn thành phố Hội An; Kết quả triển khai thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện; Công tác phối hợp với địa phương vùng hạ du trong vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện A Vương…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao sự chủ động ban đầu của các cấp, ngành và địa phương trong thực hiện phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thời gian tới, đồng chí Hồ Quang Bửu yêu cầu chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ.

“Chú trọng nâng cao chất lượng dự báo, kịp thời, chính xác nhất diễn biến thiên tai, nhất là mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để có thể ứng phó, từ đó hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, kịp thời ổn định đời sống, sản xuất  sau thiên tai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh

HUỲNH DIỄM