Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ hai: "Biển Đông - Hợp tác nghiên cứu và phát triển"
Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ nhất, tổ chức tại Paris tháng 6/2023, với sự ủng hộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Học viện Ngoại giao Việt Nam, Viện Biển Đông, Ban Liên lạc người Việt châu Âu "Vì biển đảo Việt Nam" phối hợp với Hội Người Việt tại Ba Lan và Hội Khoa học công nghệ Việt Nam tại Ba Lan, tổ chức Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ hai với chủ đề "Biển Đông - Hợp tác nghiên cứu và phát triển".
Hội thảo diễn ra vào ngày 24/5/2024 tại Hội trường Trung tâm nghiên cứu Sinh - Hóa, Đại học Tổng hợp Warsaw (Ba Lan).
Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ hai với chủ để "Biển Đông - Hợp tác nghiên cứu và phát triển" tái khẳng định chủ quyền Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; thảo luận về vai trò của đạo của Việt Nam trong duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông...
Hội thảo có hơn 100 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về châu Á, Biển Đông, nhà kinh tế học, nhà địa chất từ các nước Ba Lan, Pháp, Ý, Việt Nam, Úc, các nhà ngoại giao, sinh viên của các trường Đại học tại Ba Lan, cộng đồng người Việt từ các nước. Hội thảo cũng có sự góp mặt của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông và Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải
Đây là diễn đàn để các học giả, nhà khoa học giới thiệu và trao đổi các nghiên cứu của mình về mọi vấn đề liên quan đến Biển Đông, nhằm tăng cường sự hiểu biết về Biển Đông cho cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại các nước châu Âu, cũng như bạn bè quốc tế trên khắp châu lục. Từ đó đưa ra các đánh giá một cách khách quan về hiện trạng Biển Đông, cả về điều kiện tự nhiên cũng như các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nhằm làm rõ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của các quốc gia liên quan đến Biển Đông.
Đồng thời kêu gọi Việt Nam và các quốc gia trong Liên minh châu Âu cùng các tổ chức quốc tế ủng hộ và tài trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học liên quan đến Biển Đông. Hội thảo cũng là nơi kết nối, giao lưu, củng cố và tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại châu Âu nói riêng.
Hội thảo thông qua 2 tham luận là “Chủ quyền và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử” và “Thư tịch và bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của TS. Trần Đức Anh Sơn (Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng) một lần nữa nhấn mạnh chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với 2 quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra còn có các tham luận liên quan về các vấn đề biển Đông cùng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường hoà bình, tăng cường đối thoại, hợp tác để tăng cường hiệu lực của luật pháp quốc tế, các cơ chế hợp tác đa phương, giảm bớt các hành động đơn phương nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho các quốc gia trong khu vực cùng phát triển thịnh vượng.
Các đại biểu cũng tập trung đánh giá vai trò của Việt Nam trong duy trì an ninh, ổn định bền vững tại biển Đông thông qua chính sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển”
Bên lề hội thảo còn có khu vực trưng bày các hỉnh ảnh, hiện vật các bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; hình ảnh đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các quần đảo, và hỉnh ảnh từ các chuyến đi thăm 2 quần đảo của các kiều bào.