Thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉ phú từ cây sâm Ngọc Linh

QUANG HÀ 05/07/2024 15:08

Trên dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ, có một người nông dân Xơ Đăng đang nắm trong tay giá trị tài sản hàng trăm tỉ đồng. Đó là anh Nguyễn Văn Lượng, sinh năm 1974, hiện đang ở tại nóc Luông Giang thuộc thôn 2 xã Trà Linh huyện Nam Trà My với mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh.

Cổng vào vườn bảo tồn phát triển sâm của anh Lượng

Người nông dân Nguyễn Văn Lượng được xem như một tỉ phú từ việc trồng, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm K5, một loại cây dược liệu quí hiếm và có giá trị kinh tế rất cao.

Sinh ra và lớn lên từ núi rừng, thời trai trẻ, anh Lượng đã băng rừng, vượt núi từ xã Trà Linh xuống thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) để mua ché và các vật dụng sinh hoạt cõng nhiều ngày đường về lại làng để trao đổi, mua bán cho người. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn không thay đổi, khó khăn, thiếu thốn mọi bề.

Từ sự gian nan đó, anh Nguyễn Văn Lượng đã suy nghĩ phải tìm cho mình con đường làm kinh tế riêng để cuộc sống không còn cực khổ nữa và anh chọn cây sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế của gia đình.

Nghĩ là làm, Nguyễn Văn Lượng chính thức trồng sâm Ngọc Linh từ năm 1990 tới nay. Tuy nhiên, những năm đầu chưa có kinh nghiệm trồng và giá cả sâm Ngọc Linh không ổn định, thậm chí có những lúc sâm bị úng thối nên nhiều người dân ở Trà Linh cũng chưa mặn mà với loại cây dược liệu này. Song với ý chí làm giàu từ cây sâm và luôn nghĩ rằng đây là cây thuốc quý của ông bà tổ tiên để lại nên phải cần bảo tồn, gìn giữ nên anh Lượng đã mày mò tích lũy kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh.

Những năm sau đó, anh Lượng tiếp tục đi tìm và thu hoạch hạt sâm mọc ngoài tự nhiên mang về ươm giống và chọn những khoảng đất mùn có tán lá che ở độ cao khoảng 1.700 mét trở lên để trồng và đến khi cây sâm Ngọc Linh được y học phát hiện là loại cây dược liệu quý hiếm nên giá trị của sâm cũng tăng lên. Giai đoạn những năm 2000, các vườn sâm đã mang về thu nhập mỗi năm đạt hơn 100 triệu đồng cho gia đình anh Lượng.

Đến năm 2003, anh Lượng tiếp tục đã đứng ra thành lập Nhóm hộ trồng sâm tập thể tại nóc Măng Lùng thu hút 7 hộ gia đình với 25 lao động. Tại thời điểm này chưa có chủ trương của Nhà nước cho thuê dịch vụ môi trường rừng, nên ở Trà Linh chưa có các chốt trồng sâm tập thể như bây giờ, mà chủ yếu bà con trồng sâm ở đường đặt bẫy hoặc tự khoanh một khu giữa rừng để trồng theo kiểu tự nhiên, hoang dã. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương của Nhà nước cho phép cá nhân, doanh nghiệp trồng sâm theo chủ trương cho thuê dịch vụ môi trường rừng, thì việc lập chốt là nhằm mục đích tăng cường nhân công chăm sóc cây sâm và luôn đảm bảo có người túc trực bảo vệ vườn sâm 24/24 giờ.

Vườn sâm Ngọc Linh của anh Lượng rộng hơn 10ha

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, anh Lượng nhận thấy việc trồng sâm theo Nhóm như vậy cũng chưa thật sự hiệu quả nên đã cùng các hộ di dời vào sống ở làng Luông Giang và thành lập riêng cho mình 1 vườn sâm có quy mô diện tích lớn hơn và thuê nhân công cũng là người người địa phương ngày đêm chia phiên canh giữ, chăm sóc. Do tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc cây sâm, nên hằng ngày vợ, chồng anh Lượng đã hướng dẫn kỹ thuật cho các công nhân cùng nhau cần cù làm đất, chăm sóc cây sâm để cây phát triển một cách tự nhiên và đạt hiệu quả cao nhất.

Với sự cần cù và biết tính toán làm ăn, đến nay vườn sâm của anh Lượng đã phát triển được hơn 10 héc ta với số lượng hơn 200.000 cây sâm Ngọc Linh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Hiện cũng có khoảng 50 công nhân được thuê để tham gia trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh. Mỗi năm vườn sâm gia đình cho thu hoạch khoảng 200 lon hạt giống để bảo tồn nguồn sâm gốc và tiếp tục phát triển diện tích trồng sâm.

Đặc biệt, nhờ cây sâm Ngọc Linh mà thu nhập của gia đình tôi mỗi năm cũng đạt khoảng hơn 5 tỷ đồng từ bán sâm củ, sâm lá và cây sâm giống. Nhờ sâm mà hiện nay nhà cửa, phương tiện đi lại của gia đình anh Lượng được đầu tư sắm sửa khang trang. Cuộc sống bây giờ thực sự đã đầy đủ và không còn nghèo khổ như trước kia nữa.

Anh Lượng khẳng định: “Nhờ trồng cây sâm Ngọc Linh nên hiện giờ thu nhập trong gia đình tôi đã ổn định và tăng theo từng năm. Cái đói, cái nghèo không còn nữa. Cây sâm chính là cây xóa đói giảm nghèo cho dân làng mình đấy!”

Không chỉ biết làm giàu từ sâm Ngọc Linh cho riêng mình, mà anh Lượng cũng thường xuyên hỗ trợ cây sâm giống và bày cách trồng theo đúng kỹ thuật cho bà con dân làng. Vớ suy nghĩ, công nhân thuê làm công mà chỉ trả tiền công lao động hàng tháng thì bản thân và gia đình họ khó thoát nghèo, nên anh Lượng thống nhất là ngoài trả tiền công còn hỗ trợ thêm cây sâm giống với giá cả hợp lý để mọi người cùng nhau trồng sâm, cùng nhau vươn lên từ chính quê hương của mình.

Nhờ sâm Ngọc Linh nên anh Nguyễn Văn Lượng đã xây nhà, mua ô tô

Cách đây vài năm anh Lượng cũng tự đi xuống làng Tắc Ngo để vào rừng khảo sát tìm vị trí thích hợp để hướng dẫn và hỗ trợ giống sâm cho bà con thôn 1 xã Trà Linh lên trồng sâm. Kết quả, hiện nay khu vực này bà con trồng rất nhiều sâm và đã phát triển tốt. Bên cạnh đó, không chỉ biết trồng sâm làm giàu mà anh lương nghĩ rằng, ngày xưa đói khổ, dân làng đốt rừng làm nương rẫy nhiều quá, làm cho rừng bị phá. Nên anh tự bỏ tiền ra mua lại nương rẫy gần nhà và trồng 5 héc ta cây gỗ lớn để lấy lại màu xanh cho rừng.

Bây giờ lên Trà Linh hỏi về đại gia trồng sâm, ai cũng chỉ đến gặp Nguyễn Văn Lượng. Bởi từ việc cần cù bảo tồn cây sâm quý hiếm mà giờ đay cuộc sống của gia đình anh đã giàu sang, sung sướng. Bốn căn nhà biệt thự, ô tô tiền tỉ của anh Lượng được xây sắm ngay lưng chừng núi Ngọc Linh từ việc trồng sâm. Không chỉ vậy, người nông dân này cũng luôn quan tâm giúp đỡ cho dân làng để cùng nhau phát triển kinh tế, xoa tan đi nghèo đói, lạc hậu nơi rẻo cao.

XEM FILE BẢN TIN TTĐNVĐBDTTS TẠI ĐÂY

QUANG HÀ