Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Tìm giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

THÚY HẰNG 04/07/2024 15:48

Chiều ngày 04/7, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo thu hút nhiều tham luận về kinh nghiệm, giải pháp phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tham gia hội thảo có các chuyên gia đầu ngành cả nước về bảo vệ, phát triển nguồn lợi, cán bộ phụ trách thủy sản ở các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Tích cho biết, thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản như thả rạn nhân tạo ở vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An); trồng rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển; bảo vệ bãi đẻ của các loài thủy sản, nhất là thủy sản quý hiếm; thành lập các khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến, Núi Thành), cấm khai thác hải sản ở các vùng biển Cù Lao Chàm.… Tuy vậy, các nguồn tài nguyên sinh vật biển trên địa bàn tỉnh đứng trước nguy cơ, thách thức suy giảm, cạn kiệt. Nguyên nhân là do phải chịu nhiều tác động của con người từ các hoạt động kinh tế làm mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi. 

Tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm như: Chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái sẵn có. Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ các khu vực bãi đẻ, không khai thác các loài hải sản non, chưa trưởng thành; bảo vệ hệ sinh thái để tăng lượng tái sinh và giảm tỷ lệ chết tự nhiên; cắt giảm cường lực khai thác để không khai thác quá mức. Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân sống xung quanh, trong khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy hải sản. Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho công tác baot tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ứng dụng tiến bộ KH-KT trong nuôi trồng và phát triển thủy sản…

Tại hội thảo “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, các nghiên cứu khoa học đã đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống các loài thủy sản, các hệ sinh thái điển hình (san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn); thảo luận về mô hình nơi cư trú nhân tạo cho các loài thuỷ sản; đánh giá hiệu quả áp dụng mô hình công nghệ và kỹ thuật trong bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái san hô; thực tiễn áp dụng mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản và vai trò cộng đồng…

 

THÚY HẰNG