Gương sáng làm kinh tế giỏi ở Pơ’ning
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân khó khăn, với ý chí không chấp nhận đói nghèo, anh Cơlâu Thái Ngọc (sn 1992) ở thôn Pơ’ning, xã Lăng huyện Tây Giang luôn nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh Thái Ngọc đã trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Nghị lực vượt khó
Ở khu đất trũng cách Gươl của làng chừng 200 mét là khu nhà xưởng sản xuất rượu kết hợp mô hình chăn nuôi của anh Cơlâu Thái Ngọc ở thôn Pơ’ning, xã Lăng. Khu nhà kiên cố này được anh Ngọc đầu tư hơn 150 triệu đồng để mua vật liệu và tự tay anh xây dựng nên để phát triển kinh tế, khởi nghiệp hành trình thoát nghèo.
Bên trong nhà xưởng là hệ thống máy móc nấu rượu theo quy trình công nghiệp hiện đại được đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm kinh tế gia đình. Anh Ngọc đã học hỏi quy trình vận hành máy móc và xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để tiến hành sản xuất hàng loạt. Từ hệ thống nấu rượu theo quy trình hiện đại này, mỗi năm anh Thái Ngọc sản xuất ra hơn 10.000 lít rượu đã được loại bỏ các chất có hại, sau đó anh đem đóng chai, cho ra sản phẩm rượu trắng có giá 45 nghìn đồng 1 lít, rượu đản sâm 150 ngàn 1 chai và rượu ba kích 180 ngàn 1 chai. Tất cả đều mang thương hiệu Ánh Dương, đặc sản núi rừng Tây Giang.
Các phế phẩm từ việc nấu rượu được anh Ngọc tận dụng để chăn nuôi heo rừng lai và heo đen bản địa. Nhờ biết cách chăn nuôi cộng thêm nghị lực mong muốn thoát nghèo nên đàn heo nhanh phát triển và ít bị dịch bệnh. Cuối năm 2023 vừa rồi anh Thái Ngọc đã xuất chuồng hơn 20 con heo thu về số tiền hơn 40 triệu đồng. Hiện tại anh Ngọc đầu tư hơn 50 triệu để mua lưới B40 và vật liệu về tự xây chuồng trại tập trung quy mô lớn để nuôi heo đen, heo rừng lai, mở rộng mô hình kinh tế hộ gia đình.
“Hiện nay mô hình của tôi đã có sản phẩm. Rượu thì mình tự đi gửi cho các nhà hàng, quán nhậu, khách sạn để nhờ họ bán giùm, mình trả tiền công cho họ. Còn củ ba kích thì mình thu mua thêm của bà con để bán cho thương lái, bán qua mạng internet, tiktok để tiêu thụ sản phẩm”
Cơlâu Thái Ngọc kể rằng, anh đã tốt nghiệp đại học Quy Nhơn năm 2015 nhưng không xin được việc làm. Năm 2016 anh quyết định ở nhà lập gia đình và tập trung phát triển kinh tế. Ban đầu Ngọc gầy dựng mô hình trồng ba kích tím. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm và chưa nắm vững khoa học kỹ thuật vào chăm bón mà chỉ trồng đơn giản như cách truyền thống nên hiệu quả chưa cao như mong đợi.
Từ đây, anh bắt đầu học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm trồng ba kích theo hướng hiện đại. Nhờ chăm chỉ và có ý chí quyết tâm nên đến năm 2018, anh Ngọc đã có trong tay vườn ba kích tím rộng hơn 3ha. Mỗi năm anh thu hoạch bán khoảng 150 - 200kg củ ba kích tím, đem về doanh thu từ 75 đến 100 triệu đồng.
Hiện tại Cơlâu Thái Ngọc cũng lập vườn ươm cây giống ba kích tím theo kỹ thuật giâm hom trong túi bầu và áp dụng các loại thuốc kích rễ, phòng trừ bệnh tật để tạo nên cây giống khỏe mạnh. Từ vườn ươm này, mỗi năm anh Ngọc xuất bán khoảng 10.000 cây ba kích giống, với giá 5 nghìn đồng 1 cây, đem về số tiền 50 triệu đồng. Số giống còn lại anh đưa lên vườn trồng dưới tán rừng để tiếp tục mở rộng, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho việc sản xuất rượu ba kích. Việc phát triển cây giống ba kích không chỉ giúp tăng thu nhập gia đình mà anh Ngọc còn góp phần bảo tồn được nguồn giống cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao của Tây Giang.
“Mục tiêu sắp tới là tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng dược liệu, mình ươm cây giống ba kích cấp bà con trồng rồi bao tiêu đầu ra cho họ luôn. Phải chủ động được nguồn nguyên liệu dồi dào thì mới mở rộng sản xuất rượu đặc sản được. Còn mô hình chăn nuôi thì tôi chọn phát triển nuôi heo rừng thả vườn với số lượng lớn để có thu nhập cao hơn”.
Gương sáng để nhân rộng
Là một thanh niên trẻ, năng động và luôn ý thức cao trong việc loại bỏ đi cái đói nghèo ra khỏi đời sống gia đình, Cơlâu Thái Ngọc còn tranh thủ thời gian trồng hơn 3ha keo, hơn 2.000 cây quế. Năm 2023 vụ thu hoạch keo anh Ngọc thu về số tiền 150 triệu đồng. Ngoài ra anh còn đào 2 ao nuôi cá và chăn nuôi thêm gà, vịt để tự cải thiện cuộc sống gia đình.
Ông Bhling Phát - Trưởng thôn Pơ’ning cho biết, từ việc sản xuất rượu kết hợp chăn nuôi heo số lượng lớn cộng thêm mô hình phát triển cây ba kích và các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, mỗi năm thu nhập bình quân của Cơlâu Thái Ngọc đạt từ 300 - 500 triệu đồng. Đây thực sự là một tấm gương sáng trong việc chăm lo phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và làm giàu trên chính quê hương, mảnh đất của mình.
Thái Ngọc là một trong những hộ gia đình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi. Ngọc rất có tính học tập, tìm tòi cái mới. Ngọc biết tận dụng lời thế đất đai và cây dược liệu để phát triển theo quy mô lớn nên thấy rất hiệu quả, bền vững, là điểm sáng của Pơ’ning. Hiện nay nhiều hộ gia đình trong thôn cũng học hỏi để làm theo hướng thoát nghèo và làm giàu bền vững của Cơlâu Thái Ngọc.
Nhờ siêng năng chăm chỉ làm ăn, biết học hỏi khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nên giờ đây cuộc sống gia đình anh Cơlâu Thái Ngọc không phải lo chuyện thoát nghèo nữa. Tổ ấm của anh hiện nay có vợ làm giáo viên và 2 con đều ngoan ngoãn, chăm lo học tập, luôn vâng lời ông bà cha mẹ và thầy cô.
Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như giúp đỡ các hộ dân trong xã xóa nhà dột nát, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm thời vụ cho bà con trong thôn.
"Cơlâu Thái Ngọc là 1 trong những điển hình sản xuất, là gương sáng tiêu biểu tuổi trẻ dám nghĩ dám làm. Ngọc đã duy trì được nguồn gen quý hiếm trên địa bàn xã. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đến học tập kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình" - Chủ tịch UBND xã Lăng Bling Miên nhận xét.
Tinh thần và nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu của Ngọc như một làn gió mới, thổi vào suy nghĩ cho các thanh niên trẻ người Cơ tu trên hành trình tìm hướng làm ăn để đổi thay cuộc sống nơi đại ngàn Pơ Mu. Từ việc dám nghĩ dám làm, từ cuộc sống khó khăn, bị thất nghiệp mà giờ đây trở thành một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở Pơ’ning.