Bảo vệ môi trường

Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái ngập nước sông Đầm”

NGUYỄN TRÀ 19/07/2024 14:19

Sáng ngày 19/7, UBND thành phố Tam Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái ngập nước sông Đầm”. Dự hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ông Phan Thái Bình; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, Thành ủy Tam Kỳ cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, theo Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. Sông Đầm có hệ sinh thái đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ; với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hoá truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ; cùng với hệ thống di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh là tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của thành phố Tam Kỳ nói riêng và khu vực phía Nam của tỉnh nói chung trong tương lai.

Ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ phát biểu tại hội thảo 

Sông Đầm mang vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hóa truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ; cùng với hệ thống Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh là tiềm năng to lớn đối với việc phát triển du lịch của TP.Tam Kỳ nói riêng và khu vực phía nam của tỉnh nói chung trong tương lai.

“Thực hiện Đề án Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024, Thành phố Tam Kỳ với mong muốn làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm, do đó UBND thành phố tổ chức Hội thảo khoa học để được gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể quý đại biểu về các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước Sông Đầm.” ông Nguyễn Duy Ân nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cho biết, việc Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái Sông Đầm là phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024; phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt năm 2014; phù hợp Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Đồng thời, để phát huy kết quả đạt được của Hội thảo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới việc Bảo tồn, phát huy các giá trị hệ sinh thái đất ngập nước hồ Sông Đầm, tôi đề nghị ngay sau Hội thảo này, các cấp, các ngành của tỉnh và UBND thành phố Tam Kỳ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm , xây dựng kế hoạch tổng thể để khôi phục, phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước và có lộ trình thực hiện phù hợp; trong đó cần nghiên cứu các đặc tính, đánh giá tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các loài để xác định đúng mức phạm vi, bố trí hợp lý đối với từng loài, đảm bảo tính cân đối sinh thái. 

Đối với các loài mới đưa vào cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc để đảm bảo tính thích nghi cao và tránh các xung đột sinh thái có thể xảy ra, thành phố Tam Kỳ khẩn trương xây dựng hồ sơ trình thẩm định, thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh đối với Sông Đầm theo đúng tiến độ; làm cơ sở để triển khai các kế hoạch, hoạt động bảo tồn. Trong đó, tập trung xác định và xây dựng quy hoạch chi tiết khu bảo tồn đất ngập nước sông Đầm; xác định rõ các phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính; ranh giới từng phân khu theo nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; Xem xét tổng thể Sông Đầm trong mối liên kết, kế hoạch phát triển tổng thể các khu vực xung quanh như di tích địa đạo Kỳ Anh, đồi An Hà, sông Bàn Thạch,
“Khẩn trương thực hiện dự án Kênh cắt chuyển dòng nguồn nước xả thải của KCN Tam Thăng vào hồ sông Đầm nhằm giảm thiểu các tác động xấu, làm suy giảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học tại khu vực hồ sông Đầm. Thực hiện quan trắc môi trường và thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường đất, nước, không.” Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Tại hội thảo nhiều tham luận đáng chú ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái; phát triển du lịch cộng đồng sông Đầm; các chính sách, quy định quản lý, bảo tồn đất ngập nước, quy trình xây dựng hồ sơ thành lập khu bảo tồn đất ngập nước...

 

NGUYỄN TRÀ