TIN HUYỆN - THÀNH PHỐ - THỊ XÃ

Kỷ niệm trọng thể 420 năm danh xưng Duy Xuyên

THANH THÚY 21/08/2024 11:14

Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024).

z5751531530948_1bcd080129143627b4e904e04ac36f1a.jpg
Quang cảnh lễ kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024).

Tham dự lễ có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh - nguyên Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Chiêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, năm 1306, khi vua Chiêm Chế Mân giao 2 châu là châu Ô và châu Lý cho Đại Việt đã mở đầu cho những luồng di dân Việt đến vùng đất Quảng Nam. Theo dòng mở cõi về phương Nam, các di dân người Việt cộng cư cùng với người Chăm để khai lập, tổ chức các làng xã trên vùng đất mới.

4.jpg
Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Trên cơ sở đó, năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập ra Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu) lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên. Kể từ thời điểm đó, danh xưng hành chính huyện Duy Xuyên chính thức ra đời.

Ông Phan Xuân Cảnh nhấn mạnh: “Duy Xuyên nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng với 2 tiến sĩ, 5 phó bảng, 54 cử nhân ở các triều đại lịch sử. Nơi đây đã và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú với 1 di sản văn hóa thế giới - Mỹ Sơn, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 48 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh… Đây thực sự là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc, là tài sản vô giá mà các thế hệ người Duy Xuyên trao truyền cho đời sau”.

Trước đó, tối 19/8, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức chương trình nghệ thuật “Tự hào một dải gấm hoa” chào mừng kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024).

z5751531542332_9227b1702c9cd61bd20b081be822cc3e.jpg
Chương trình nghệ thuật “Tự hào một dải gấm hoa”.

Chương trình nghệ thuật “Tự hào một dải gấm hoa” gồm 3 chương. Trong đó, chương 1 “Cội nguồn” gồm các tiết mục trống hội, mở đất, Thu Bồn ơi, trích đoạn tuồng Bà Chúa Tàm Tang, múa “Duy Xuyên trên con đường giao thương xứ Quảng”.

Chương 2 “Đất và người Duy Xuyên” gồm các tiết mục múa hoạt cảnh “Duy Xuyên miền đất hiếu học”, “Duy Xuyên niềm tự hào”, hát múa “Bài thơ quê lụa”, múa “Tinh hoa làng nghề”, ca khúc về Mỹ Sơn.

Chương 3 “Duy Xuyên ngày mới” gồm các tiết mục hát múa “Về Duy Xuyên về miền yêu thương”, múa hoạt cảnh ca ngợi thành tựu nông thôn mới huyện Duy Xuyên, 2 tiết mục ca ngợi vẻ đẹp đất nước Việt Nam, hát múa “Duy Xuyên ngày mới”.

net-hoa-lang-nghe-1-1-.jpg
Chương trình nghệ thuật là dịp để khán giả được nhìn lại chặng đường hàng trăm năm lịch sử kể từ ngày tên gọi “Duy Xuyên”.

Chương trình nghệ thuật là dịp để khán giả được nhìn lại chặng đường hàng trăm năm lịch sử kể từ ngày tên gọi “Duy Xuyên” được xác lập vào năm Giáp Thìn (1604) bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng, mang đậm dấu ấn lịch sử và tính nhân văn của một miền quê xứ Quảng.

THANH THÚY