Quế Phú đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với với xây dựng xã nông thôn mới thông minh
(QNP) - Hiện nay, toàn xã Quế Phú huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam có trên 90% người dân có điện thoại thông minh, trên 2.500 tài khoản dịch vụ công trực tuyến đã được lập, gần 2.100 hộ gia đình có cài đặt ứng dụng Smart Quảng Nam, gần 85% người dân có cài đặt VNeID, 71% người dân có cài sổ sức khỏe điện tử, gần 100% người dân được cấp mã số định danh. Tất cả các trường học trên địa bàn xã đều sử dụng các phần mềm và sổ liên lạc điện tử phục vụ cho công tác dạy và học…
Ngay khi được chọn làm xã điểm của huyện để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam về thí điểm triển khai chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quế Phú đã tập trung ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể về để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới thông minh gắn với mô hình ưu tiên phát triển chuyển đổi số (CĐS) toàn diện trên địa bàn xã, thành lập 08 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn và 01 tổ công nghệ số cấp xã để giúp giải đáp thắc mắc và hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân.
Xác định việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), CĐS trên địa bàn xã là trọng tâm, xã đã nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã theo mô hình hiện đại để tiếp nhận và giải quyết 100% thủ tục hành chính (TTHC) cấp xã; hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đảm bảo phục vụ tốt việc tiếp nhận hồ sơ của công dân và tổ chức; áp dụng tiếp nhận 100% thủ tục trên phần mềm một cửa điện tử; triển khai đánh giá mức độ hài lòng bằng mã QR Code…
Ông Nguyễn Anh Mười – Chủ tịch UBND xã Quế Phú cho biết: “Đến nay, tất cả cán bộ lãnh đạo được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% cán bộ, công chức sử dụng email công vụ; 100% văn bản đi, đến được xử lý, chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý và không còn tình trạng in văn bản ra xin ý kiến lãnh đạo, 100% hồ sơ và TTHC cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình, đảm bảo đúng thời hạn, trước hạn, không còn tình trạng chậm trễ hồ sơ của tổ chức và công dân”.
Cũng theo ông Mười, xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh tiếp nhận giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công trực tuyến; làm tốt việc chứng thực điện tử; triển khai việc thực hiện tốt các nhóm TTHC liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông liên quan đến đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Quá trình tiếp nhận và giải quyết các TTHC được rút ngắn từ 30% đến 50%. Tinh thần, trách nhiệm, tính năng động, kỷ cương và thái độ chuyên nghiệp khi giao tiếp của công chức được nâng lên.
Bên cạnh xây dựng chính quyền số, xã cũng chú trọng phát triển kinh tế số bằng cách đẩy mạnh thương mại giao dịch điện tử giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa qua hình thức bán hàng online, thực hiện thu phí điện tử và hóa đơn điện tử tại bộ phận 1 cửa xã. Đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến cho hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã; triển khai ký kết thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo về chuyển đổi số.
Kết quả ban đầu đã phát triển đạt gần 3.500 tài khoản ATM và Banking, 100% cán bộ từ xã đến thôn kể cả các hội đặc thù đều nhận phụ cấp qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt; hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp trên địa bàn xã sử dụng hoá đơn điện tử.
Các khu trung tâm của xã, chợ và nhà văn hoá các thôn được bố trí điểm phát Wifi miễn phí cho nhân dân sử dụng, có hệ thống camera an ninh giám sát gần 40 vị trí trọng yếu ở các tuyến đường và khu dân dân cư; phát triển kênh giao tiếp với người dân qua Zalo OA và Cổng thông tin điện tử xã, phối hợp với các ngân hàng tổ chức triển khai đăng ký ngân hàng điện tử Mobile – Banking và thanh toán bằng mã QR cho các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn xã nên thanh toán điện tử trên địa bàn được mở rộng.
Lĩnh vực xã hội số cũng được quan tâm đầu tư xây dựng 02 mô hình thôn thông minh ở thôn Đồng Tràm Tây và thôn Phương Nghệ bước đầu thực hiện đảm bảo theo các tiêu chí, vai trò, trách nhiệm của các tổ công nghệ số cộng đồng được nâng lên. Hiện nay, toàn xã có trên 90% người dân có điện thoại thông minh, trên 2.500 tài khoản dịch vụ công trực tuyến đã được lập, gần 2.100 hộ gia đình có cài đặt ứng dụng Smart Quảng Nam, gần 85% người dân có cài đặt VNeID, 71% người dân có cài sổ sức khỏe điện tử, gần 100% người dân được cấp mã số định danh. Tất cả các trường học trên địa bàn xã đều sử dụng các phần mềm và sổ liên lạc điện tử phục vụ cho công tác dạy và học.
Để thực hiện tốt hơn nữa mô hình ưu tiên phát triển chuyển đổi số toàn diện hướng đến xây dựng đạt xã nông thôn mới thông minh, thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Quế Phú sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả công tác CĐS trên địa bàn; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng số đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin nhằm góp phần hiện đại hóa nền hành chính và phục vụ công tác xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh.
Cùng với đó cũng sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác CĐS theo hướng nâng cao các chỉ số đánh giá, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đạt hơn 800/1.000 điểm chỉ số CĐS cấp xã. Tiếp tục nhân rộng mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để triển khai các dịch vụ mà người dân trực tiếp hưởng lợi... từ đó Quế Phú sẽ hoàn thành các tiêu chí về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024 này.