Diễn đàn quốc gia về nhận diện và xóa bỏ tập tục văn hóa có hại
(QNP) - Sáng ngày 06/9, tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp quốc gia về nhận diện và xóa bỏ tập tục văn hóa có hại, vai trò của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự diễn đàn về phía Trung ương có Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương. Về phía Quảng Nam có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cùng đại diện lãnh đạo Sở, Ban, Ngành, Hội LHPN tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh thành khu vực miền Trung Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Bên cạnh những phong tục tập quán tốt đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ tạo nên bản sắc văn hóa của 54 dân tộc được bạn bè quốc tế công nhận và tôn vinh thì cũng còn không ít những tập tục lỗi thời đang cản trở của sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Có thể kể đến như: Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mặc dù có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến ở nhiều vùng dân tộc thiểu số; tập tục như thách cưới ở một số DTTS ở Tây Nguyên với yêu cầu thách cưới cao so với điều kiện kinh tế của gia đình nhà gái; tục chôn sống con theo mẹ ở vùng đồng bào Giẻ Triêng tỉnh Quảng Nam; tục “nối dây” của đồng bào Bru - Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình; tục nghi kỵ “cầm đồ độc” ở vùng đồng bào H’re tỉnh Quảng Ngãi; tập quán chỉ cúng bái khi ốm đau mà không đến cơ sở y tế chữa bệnh, sinh đẻ tại nhà không có người có chuyên môn hỗ trợ v.v…
Bà Nguyễn Thị Kim Hương nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhiều tập tục đã, đang cản trở và thậm chí kéo lùi tiến trình phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc.
Để có thể xóa bỏ, giảm thiểu các tập tục văn hóa có hại, rất cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là từ sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào các dân tộc. Trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích trong các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Diễn đàn cấp quốc gia là cơ hội tạo không gian trao đổi giữa diễn giả và các em thanh niên nhằm giúp các em nhận diện các tập tục văn hóa có hại trong đời sống; từ đó, đề xuất các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của thanh niên xung kích tiên phong xóa bỏ tập tục văn hóa có hại.
Tại diễn đàn, các đại biểu được chia sẻ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến nhận diện và xóa bỏ tập tục văn hóa có hại, vai trò của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác này từ đại diện lãnh đạo các ngành các cấp liên quan, trong đó có đại diện Quảng Nam.
Các vấn đề được đặt ra, trao đổi tại diễn đàn chủ yếu tập trung vào các nội dung làm thế nào để nhận diện, phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và loại bỏ được những tập tục, hủ tục không còn phù hợp trong cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay; những khó khăn nào trong việc loại bỏ các tập tục văn hóa có hại; Hiệu quả nhìn từ Dự án 8 và các chủ trương, chính sách khác trong thay đổi nhận thức của người dân về xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; vai trò Hội LHPN, đoàn viên thanh niên trong thay đổi tập tục lạc hậu tại khu vực miền núi…
Được biết, trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò của thanh thiếu niên trong thúc đẩy bình đẳng giới: TW Hội đã phối hợp với TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông trên nền tảng số nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi với chủ đề “Rẻo cao hạnh phúc”; TW Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng động Trung ương và Bộ GD&ĐT triển khai mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại địa bàn đặc biệt khó khăn của 40 tỉnh, thành vùng đồng bào DTTS & MN.
Đây là một mô hình đặc thù dành riêng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS & MN, với mục đích để trẻ em được tham gia chia sẻ, trang bị kiến thức, kỹ năng sống phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại, các kiến thức về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến trẻ em, giúp trẻ có đủ năng lực tham gia vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em.
Đến nay, cả nước đã thành lập và duy trì hoạt động 550 CLB, thu hút sự tham gia của hơn 12.000 trẻ em trong độ tuổi từ 10 - 16 tuổi và các em đang và sẽ là lực lượng xung kích trong xóa bỏ các tập tục lạc hậu.