Tin tức

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng: Phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2024

VĂN TOÀN 18/09/2024 19:02

(QNP) - Chiều 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc với thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh liên quan đến công tác triển khai phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

z5843214574652_d46b2ae524ad28555017a219bdf7a8c0.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc chiều 18/9.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất; chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành các văn bản về chủ động ứng phó với các đợt không khí lạnh tăng cường và thời tiết nguy hiểm trên biển; chủ động ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, TKCN năm 2024; chủ động rà soát triển khai Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh.

z5843214048554_ad2cbbc5534cac9243e790b4ddbf9835.jpg
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, đơn vị thường trực của Ban chỉ huy PCTT và TKCN báo cáo tại cuộc họp.

Về phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Đối với cấp tỉnh: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2078 ngày 06/9/2024 của UBND tỉnh về Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro. Cấp huyện: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có Công văn đề nghị địa phương, đơn vị rà soát, xây dựng và phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro năm 2024. Đến nay, còn 03 địa phương chưa xây dựng Phương án gồm: Thăng Bình, Núi Thành và Đông Giang.

Đối với công tác triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 07/CĐUBND ngày 17/9/2024 về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch ứng phó, duy trì Đài thông tin TKCN, thống kê, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động tham mưu tổ chức công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền, an toàn cho người và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè, các khu vực nuôi trồng thủy hải sản và tổ chức bắn pháo hiệu thông báo ATNĐ theo quy định, triển khai cấm biển cho tới khi thời tiết ổn định. Các Sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai công tác chủ động ứng phó.

z5843213106889_348dfc01ab0c9870be4d27f03ec69468.jpg
Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN nêu ý kiến, các địa phương cần tiếp tục rà soát, kiện toàn Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Đối với các địa phương chưa xây dựng Phương án: Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro năm 2024 trên địa bàn huyện để đảm bảo chủ động triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra trong thời gian tới; tuân thủ nghiêm phương châm 4 tại chỗ.

Đồng thời rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

z5843214396673_ef5242400d32f7b3aeb09946a78e8f3c.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị các sở, ngành, địa phương phải năng động, tích cực, không thờ ơ, chủ quan, đồng thời vào cuộc phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2024.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, diễn biến thời tiết trong năm 2024 tiếp tục có những diễn biến khó lường, mức độ khắc nghiệt ngày càng cao. Điều này đòi hỏi tâm thế chỉ đạo của các sở, ngành, địa phương phải thay đổi. Phải năng động, tích cực, không thờ ơ, chủ quan, vô trách nhiệm, vào cuộc phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến và trực tiếp nhằm quán triệt tinh thần chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai năm 2024. Trong đó, mỗi cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể về công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát thực tiễn về công tác triển khai tại các địa phương, đơn vị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo quyết liệt hơn. Trong đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Nếu đơn vị, địa phương nào không sâu sát dẫn đến hậu quả đáng tiếc sẽ xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định.

Đến 17h ngày 18/9, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to: Phước Năng 226,6mm; đầu mối hồ Phú Ninh 219mm; Phước Chánh:211,2mm; Tiên Phong 204,6mm; Văn phòng thường trực 192,6mm; Phước Thành 186,6mm; Tam Lộc:183mm; Phước Hiệp:172mm; Đại Hiệp:168,6mm; Phước Công:164mm; Tiên Hà:162,4mm; Bình Lâm:156,6mm; Đầu mối hồ Phước Hà:156mm; Sông Trà:149,6mm….

Diễn biến của Áp thấp nhiệt đới: Hồi 16 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 giờ tới (16h/19/9), vị trí tâm ở vào khoảng 16,9 N-107,6E; trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển Tây, khoảng 20km/h. Trong 48 giờ tới (16h/20/9), vị trí tâm ở vào khoảng 17,7N-103,9E; trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh dưới cấp 6; di chuyển Tây Tây Bắc, khoảng 15-20km/h, đi vào đất liền và suy yếu dần.

VĂN TOÀN