Ban hành Bộ nhận diện ngành BHXH Việt Nam
BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3288/BHXH-TT ngày 20/09/2024 về việc ban hành Bộ nhận diện ngành BHXH Việt Nam.
Để nhận diện thống nhất hình ảnh về ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong toàn hệ thống, BHXH Việt Nam thiết kế và ban hành Bộ nhận diện ngành BHXH Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bộ nhận diện). Bộ nhận diện được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị của Logo BHXH - biểu trưng của BHXH Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 148/QĐBHXH-TCCB ngày 15/01/1999 của của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (sau đây gọi là Logo BHXH Việt Nam).
Bộ nhận diện là cơ sở để các tổ chức, cá nhân nhận diện thống nhất,
chính xác các chế độ BHXH, BHYT thuộc hệ thống an sinh do Đảng và Nhà nước đảm bảo cho người lao động và Nhân dân, không vì mục tiêu lợi nhuận, do ngành BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện. Đồng thời, Bộ nhận diện là cơ sở để nhận diện cơ quan BHXH các cấp thống nhất, được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính
sách BHXH, BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước, qua đó giúp củng cố niềm tin của Nhân dân, người lao động vào các chính sách an sinh xã hội để tin tưởng, yên tâm khi tham gia, thụ hưởng.
Bộ nhận diện được ban hành để ứng dụng vào các sản phẩm phục vụ công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT và các hoạt động của Ngành do các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện tổ chức, qua đó khẳng định tính thống nhất, đồng bộ, sự chuyên nghiệp trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam.
Bộ nhận diện được thiết kế gồm những hình tam giác với đường nét cứng cáp, khoẻ khoắn tượng trưng cho sự phát triển, luôn hướng về phía trước vì sự hài lòng của người tham gia thụ hưởng chính sách và thể hiện sự quyết tâm của toàn Ngành BHXH Việt Nam trong công tác chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu Chính phủ số.
Về màu sắc nhận diện: Bộ nhận diện sử dụng màu xanh lam (kế thừa từ màu nhận diện của Logo BHXH Việt Nam. Màu xanh lam biểu trưng của Ngành BHXH Việt Nam chính là màu của an sinh xã hội, hướng tới sự an toàn, tin tưởng của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Màu xanh lam trong Bộ nhận diện được sử dụng với các cấp độ màu từ nhẹ nhàng biểu trưng cho sự bình yên, tươi mới đến xanh đậm thể hiện niềm tin, hy vọng, đồng thời luôn mang đến sự yên tâm, tin tưởng vào các giá trị nhân văn của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài ra, màu xanh lam còn thể hiện sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, sự tận tâm của đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành
BHXH Việt Nam trong công tác phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách với mục tiêu luôn đặt người dân làm trung tâm phục vụ; thể hiện quyết tâm cao, tinh thần mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu vì mục tiêu an sinh xã hội.
Logo BHXH Việt Nam là hình tròn bao trọn thân cây đại thụ được cách điệu nghệ thuật từ hình ảnh con người và bông hoa 5 cánh.
Logo BHXH Việt Nam mang ý nghĩa là sự phát triển bền vững chính sách BHXH, BHYT; thể hiện sự công bằng, bình đẳng và sự chia sẻ, đùm bọc, tương thân, tương ái; nâng cao tính hấp dẫn, đáp ứng sự hài lòng của Nhân dân và các chủ thể tham gia góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống Nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Vòng tròn là tượng trưng cho sự đảm bảo của chính sách BHXH, BHYT đối với con người, với ý nghĩa bảo vệ con người trọn vòng trường sinh, chăm sóc trọn vẹn từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ đến khi mất đi bằng các chế độ: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, BHYT, BHTN. Vòng tròn cũng thể hiện sự phát triển trọn vẹn, liên tục, bền vững và toàn diện của chính sách BHXH, BHYT trong suốt quá trình hình thành, phát triển, thể hiện sự nhân văn, ưu việt của chính sách đối với mỗi con người.
Hình tượng cây đại thụ: BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống Nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Theo đó, hình tượng cây đại thụ trong Logo BHXH Việt Nam tượng trưng cho sự phát triển vững chắc của hệ thống an sinh xã hội Quốc gia. Cây đại thụ phát triển trường tồn nhờ sự đóng góp xây dựng của chính người dân, người lao động, của ngành BHXH và các bộ, ngành, tổ chức liên quan. Tán cây được cách điệu từ các cánh Hoa Sen, loài hoa mang vẻ đẹp vừa mộc mạc, bình dị mà thanh cao, tinh khiết, gần gũi với đời sống Nhân dân Việt Nam, là biểu tượng của Quốc hoa; 5 cánh hoa tượng trưng cho các chế độ của chính sách BHXH, BHYT chăm sóc người lao động và Nhân dân đến trọn đời, đây là những quyền lợi, sự bảo vệ cơ bản của Nhà nước dành cho Nhân dân. Thân cây đại thụ được thiết kế với hình tượng con người - chủ thể tham gia chính sách BHXH, BHYT đang vươn lên mạnh mẽ với niềm tin và sự hài lòng trong sự trọn vẹn của các chính sách BHXH, BHYT.
Dòng chữ “Bảo hiểm xã hội Việt Nam” theo hình vòng cung phía dưới với ý nghĩa tượng trưng là vành đai pháp lý, qua đó gửi đến thông điệp người dân hãy yên tâm, tin tưởng vào cơ quan BHXH Việt Nam - cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT. Màu xanh thể hiện sự đảm bảo an toàn và công bằng đối với người lao động và Nhân dân do chính sách BHXH, BHYT đem lại; đồng thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam hướng tới sự
hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách.
Khẩu hiệu (Slogan): “Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách”
Slogan được lấy ý tưởng từ tôn chỉ mục đích phục vụ người lao động, Nhân dân và doanh nghiệp của Ngành, thể hiện tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam trong triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT.