Túi lưới tái chế: Giải pháp xanh cho môi trường
Trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, Công ty Echotech (TP.Tam Kỳ) đã phát triển dự án túi tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân. Dự án đã lan tỏa và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Trước đây, bà Phan Thị Nguyệt Nga (thôn Hoà Thượng, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) sử dụng gần 20 túi nilon mỗi ngày, chủ yếu khi mua thức ăn sáng và đi chợ. Mỗi món hàng đều được đựng trong túi nilon riêng, dẫn đến việc lạm dụng túi nilon. Sau khi về nhà, bà Nga thường phải vứt bỏ gần 20 túi nilon mỗi ngày vì không thể tái sử dụng.
Thế nhưng, vấn đề sử dụng túi nilon bắt đầu hạn chế khi xã Tam Thanh triển khai mô hình "Giảm thiểu rác thải năm 2024" và Hội LHPN xã Tam Thanh đã thành lập Câu lạc bộ "Đi chợ không túi nilon" với mục tiêu giảm 80% lượng túi nilon được sử dụng hằng ngày trong 40 phụ nữ tham gia câu lạc bộ. Bà Nga là 1 trong 40 thành viên trên.
Theo đó, bà Nga cùng các thành viên còn lại sử dụng túi tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân vùng biển Quảng Nam để đi chợ hoặc mua sắm. Thay vì tất cả cho vào từng túi nilon lông nhỏ thì nay, từng món được cho vào túi lưới, đối với những thực phẩm có mùi, mọi người chuẩn bị thêm hộp nhựa tái sử dụng. Sản phẩm túi lưới tái chế này được tài trợ bởi Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech - đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững.
"Chúng tôi có một nhóm Zalo, mỗi ngày, các thành viên câu lạc bộ sẽ chụp hình và báo cáo việc sử dụng túi lưới để đi chợ, hạn chế được bao nhiêu túi nilon. Hiệu quả thấy rất rõ, mỗi ngày hạn chế gần 10 túi nilon, tức là cả câu lạc bộ hạn chế được gần 400 túi, nếu nhân lên cho cả tháng và tăng về số lượng thành viên thì con số này rất lớn. Hơn hết, ý thức của chị em phụ nữ về việc bảo vệ môi trường cũng được nâng cao" - bà Nga chia sẻ.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường
Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Dự án túi lưới Echobag của Công ty Echotech, cho biết gần đây thiên tai và bão lũ xuất hiện ở nhiều khu vực, không chỉ miền Trung. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn trên toàn thế giới.
Ngoài việc đưa ra cảnh báo về tình hình thiên tai, để làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã triển khai các hoạt động hạn chế phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Ở Việt Nam, nhiều chương trình, dự án, phong trào, hoạt động... về vấn đề này được triển khai ở hầu hết các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, sức lan tỏa vẫn còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech hoạt động ở lĩnh vực chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nên rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, từ đó, dự án túi lưới tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân được hình thành. Thời gian qua, bên cạnh việc truyền thông, quảng bá, lan tỏa giá trị của dự án túi lưới, Echotech cũng đồng hành với một số địa phương, tài trợ sản phẩm để người dân có công cụ thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường như với phụ nữ xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) và phụ nữ thị xã Điện Bàn.
"Ngoài việc sử dụng nguyên liệu chính từ lưới đánh bắt đã qua sử dụng của ngư dân, hạn chế rác thải ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển, túi lưới Echobag còn cho thấy sự tiện dụng khi có thể gấp gọn cho vào cốp xe và hợp thời trang khi phối với các phụ kiện tinh tế khác. Echotech cũng đang triển khai chương trình thu túi cũ đổi túi mới, giúp khách hàng tiết kiệm được 30% giá thành" - bà Hạnh chia sẻ.
Công ty Echotech đã phân phối hơn 1.000 túi lưới tái chế và dự kiến sẽ mở rộng thu mua lưới cũ từ ngư dân miền Trung để sản xuất. Mỗi năm, công ty sẽ sản xuất hơn 5.000 túi lưới, xử lý khoảng 500kg lưới cũ.