Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Nghị lực thoát nghèo vươn lên làm giàu của chị Triệu Thị Bé

THANH THÚY 10/10/2024 20:00

(QNP) - Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất. Câu chuyện về tấm gương luôn thay đổi cách suy nghĩ, tư duy trong phát triển kinh tế của chị Triệu Thị Bé – dân tộc Nùng ở thị trấn Khâm Đức là một điển hình.

CHI BE
Chị Triệu Thị Bé bên mô hình trồng bưởi da xanh.

Chị Triệu Thị Bé lập gia đình năm 2006, thời điểm này, cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Hai vợ chồng chị phải làm nhiều ngành nghề để kiếm sống nhưng vẫn rất chật vật, vất vả. Với bản tính siêng năng, chịu khó, chị Bé cùng chồng đã tích góp, dành dụm để từng bước xây dựng mô hình kinh tế riêng cho gia đình, quyết tâm thoát nghèo để xây dựng cuộc sống mới.

Năm 2009, bằng số vốn tích góp, hai vợ chồng đầu tư mô hình nuôi heo. Đến nay, đàn heo của gia đình trên 30 con, mỗi năm xuất 2 lứa. Ngoài nuôi heo, chị còn nấu rượu để cải thiện thu nhập.

Bên cạnh nuôi heo, nấu rượu, gia đình chị Bé còn thay đổi tư duy từ trồng keo kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như ổi, sầu riêng, mít thái…Dù mới triển khai mô hình, song các loại cây đều sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho nguồn thu nhập ổn định trong tương lai.

“Ban đầu cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng đi phụ hồ, đi lột vỏ keo thuê. Khi có được ít vốn thì lấy tiền tích lũy mua con giống heo về nuôi. Rồi nấu rượu mỗi ngày kiếm cũng được gần 200 nghìn. Gia đình cũng trồng thêm cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.Hiện tại thì trong vườn đã trồng được mít thái, sapôchê, ổi hơn 3 năm rồi. Ổi mình bán 30 nghìn/ký. Kinh tế hiệu quả hơn trồng cây keo nhiều. Keo thì 5 năm mới thu hoạch 1 lần còn cây ăn quả mình thu quanh năm” – chị Bé chia sẻ..

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Khâm Đức Nguyễn Thị Thu Hiền nhận xét, chị Bé trước đây chủ yếu phát triển kinh tế theo mô hình nuôi heo, rồi trồng chuối làm nguyên liệu chăn nuôi heo rất hiệu quả. Cách đây 3 năm thì phát triển thêm mô hình trồng cây ăn quả nên đây là điển hình được chúng tôi nhân rộng, giới thiệu với bà con nông dân học tập, áp dụng theo.

CHI BE 2
Nhờ phát triển chăn nuôi heo kết hợp với trồng cây ăn quả nên mỗi năm chị Bé thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình chị Bé cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Đây là con số đáng mơ ước của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Phước Sơn. Qua đó, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định để nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng. Đây cũng chính là điểm sáng về thay đổi tư duy phát triển kinh tế theo chủ trương thay đổi nếp nghĩ cách làm tại huyện Phước Sơn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn cho biết, trong thực hiện chỉ thị 27 của Huyện ủy về cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào thiểu số thì Hội đã triển khai thường xuyên và liên tục hơn 66 buổi tuyên truyền đến với bà con nhân dân và hội viên phụ nữ theo phương châm 10 biết, 10 làm và mô hình của chị Triệu Thị Bé là một trong những hội viên thực hiện hiệu quả cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

“Để giúp bà con thay đổi tư duy thì phải có người làm gương đi đầu nên chúng tôi tổ chức 3 buổi tọa đàm về xóa bỏ tập tục văn hóa lạc hậu, nhất là văn hóa chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ, manh muốn kém hiệu quả. Và qua đây cũng hướng dẫn chị em cách đăng bán sản phẩm mình làm ra trên facebook, zalo từ đó kết nối tiêu thụ sản phẩm để chị em tăng thu nhập”.

Mô hình của gia đình chị Triệu Thị Bé không mới nhưng tạo sức lan tỏa trong đồng bào dân tộc thiểu số về tinh thần vượt khó thoát nghèo. Đây là mô hình cần được nhân rộng để bà con có thể học hỏi và làm theo.

THANH THÚY