Bảo vệ môi trường

Đa dạng sinh học Sông Đầm: Hướng tới quản lý và bảo tồn bền vững

Nguyễn Trà 25/10/2024 09:00

Sở KH&CN đã đánh giá và thông qua đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học và giải pháp bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái hồ Sông Đầm, TP.Tam Kỳ”. Hội đồng tư vấn đã đóng góp nhiều ý kiến để nâng cao tính ứng dụng của đề tài.

22.jpg
Hệ sinh thái tại hồ Sông Đầm vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều loài động thực vật

Đa dạng sinh học

Các nhà khoa học đã khảo sát và đánh giá rằng khu vực hồ Sông Đầm có sự đa dạng cao về động vật có xương sống, với tổng cộng 85 loài thuộc 55 họ và 21 bộ. Các loài cá chiếm ưu thế lớn nhất với 40%, tiếp đến là các loài chim với 36,47%, lớp động vật lưỡng cư và bò sát đều chiếm 9,41%, và lớp thú chỉ chiếm 4,71%. Ngoài ra, có 214 loài động vật không xương sống, trong đó có 193 loài côn trùng.

Về hệ thực vật, có tổng cộng 232 loài và dưới loài thuộc 173 chi và 89 họ. Đặc biệt, có sự xuất hiện của các loài thực vật quý hiếm và đặc hữu. Trong quá trình điều tra, các nhà khoa học đã phát hiện một loài mới là Thiểu nhụy sông đầm (Meiogyne sp) và ghi nhận các loài quý như Garcinia celebica L và Pterocarpus indicus Wild.

PGS-TS. Vũ Tiến Chính cho biết, nghiên cứu đã xác định hệ sinh thái Sông Đầm thuộc hệ sinh thái đất ngập nước. Để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, nhóm đề xuất thực hiện các giải pháp phục hồi quần thể động thực vật quý hiếm, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và thành lập khu bảo tồn đất ngập nước tại Sông Đầm.

Góp ý hoàn thiện báo cáo khoa học

capture.jpg
Nằm giữa trung tâm thành phố, sông Đầm có ý nghĩa rất lớn về môi trường, cảnh quan, được ví là "lá phổi xanh" của Tam Kỳ và các địa phương lân cận của tỉnh Quảng Nam

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng tư vấn đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện; trong đó đề nghị các nhà nghiên cứu cần chỉ “đích danh” nguồn tác động đối với hệ sinh thái khu vực Sông Đầm bằng các dữ liệu khoa học cụ thể.

PGS-TS. Đinh Thị Phương Anh đề nghị ban chủ nhiệm đề tài đưa ra biện pháp cụ thể để bảo vệ các loài như cò nhạn, cò ốc và bảo vệ nguồn nước hồ Sông Đầm. Bà cũng nhấn mạnh cần xác định rõ "hồ Sông Đầm" hay "Sông Đầm" và phân tích kỹ các loài sinh vật cùng nguồn nước theo mùa.

ThS. Lê Ngọc Thảo chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn cò mỏ thìa ở Vườn quốc gia Sơn Thủy, nơi đã hợp tác quốc tế để bảo tồn loài này. Ông Thảo đề xuất áp dụng tương tự cho cò nhạn tại Sông Đầm.

PGS-TS. Phạm Thị Kim Thoa đề nghị ban chủ nhiệm đề tài ghi nhận đầy đủ ý kiến của Hội đồng tư vấn và tìm ra mô hình phát triển du lịch sinh thái hợp lý để địa phương áp dụng, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn khu vực Sông Đầm./.

Nguyễn Trà