Quảng Nam tìm giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh đến năm 2030
(QNP) - Sáng ngày 31/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030. Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Lê Văn Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng- Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia; PGS.TS Phạm Trung Lương- Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên tham gia trực tiếp trong triển khai Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Văn Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 01 năm 2024 và tổ chức công bố thành công ngày 16 tháng 3 năm 2024. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, là bước khởi đầu, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên con đường phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời kỳ quy hoạch.
“Quá trình lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam được triển khai một cách công phu, bài bản, kỹ lưỡng, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức đặt ra, cơ hội phát triển để xác định các chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Có thể nói rằng, việc xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai, hiện thực hóa, cụ thể hóa quy hoạch còn khó hơn, đòi hỏi phải rất nỗ lực, đoàn kết, khẩn trương của cả hệ thống chính trị và Nhân dân thì chúng ta mới thực hiện được”- đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được triển khai với quan điểm: Chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp. Kết hợp giữa nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dược liệu; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt.
Mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030; đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã có nhiều tham luận tập trung xoay quanh các giải pháp cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường đầu tư; các vấn đề về phân cấp, phân quyền; các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; hợp tác, liên kết vùng và hợp tác quốc tế…
Trong đó, bàn về giải pháp triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra những lựa chọn ưu tiên trong quá trình triển khai quy hoạch: Xem xét lại hệ mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, trong đó, mấu chốt là các mục tiêu kinh tế. Cần định hướng tập trung ưu tiên rõ nét và quyết liệt cho các dự án công nghệ cao và thông minh sáng tạo. Để làm được điều này, Quảng Nam cần định vị rõ lợi thế vượt trội về “đất đai – mặt bằng”, tạo thế mặc cả trong cạnh tranh thu hút đầu tư cho cả hai tuyến: khu – cụm công nghiệp và đô thị. Đây là lợi thế đi sau – vượt trước.
Đồng thời, chú ý các động thái, xu thế kinh tế - chính trị diễn ra trên thế giới và khu vực để có những quyết sách mạnh về đầu tư phát triển sân bay Chu Lai và cho Khu Kinh tế gắn với sân bay, nhanh chóng nâng hạng sân bay vượt cấp, biến nó thành động lực phát triển mạnh tầm cỡ Vùng – Quốc gia, giúp xoay chuyển cục diện phát triển của Quảng Nam. Tạo động lực phát triển mạnh du lịch, lấy Hội An làm tọa độ hạt nhân, tạo không gian liên kết hiệu quả với các tọa độ khác để phát huy đầy đủ tiềm năng lợi thế.
Song song đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phát triển xanh bằng việc xây dựng Quảng Nam thành thí điểm phát triển xanh của quốc gia, phát triển thị trường tín chỉ carbon, xác lập và thực thi các tiêu chuẩn xanh trong việc thu hút đầu tư phát triển và quản lý vận hành công nghiệp – đô thị…
Nhấn mạnh vai trò của hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thực hiện quy hoạch tỉnh, PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng- Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia đã đưa ra các giải pháp để xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH, bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh và bền vững; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông; nâng cao tiêu chuẩn hạ tầng để thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương; phát triển nguồn nhân lực tài chính và con người. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa sở, ngành, địa phương, giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân là chìa khóa quan trọng để thực hiện tốt các giải pháp tích hợp trên.
Cũng tại Hội thảo, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã tham gia tham luận với nhiều ý kiến quý báu trong giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh. Trong đó, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đề xuất cần lựa chọn thứ tự ưu tiên trong hơn 100 danh mục đầu tư được tỉnh đưa ra tại Quy hoạch tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư; cần có sự tháo gỡ trong vướng mắc về hạ tầng, đặc biệt có cơ chế, chính sách kịp thời trong công tác giải phóng mặt bằng; cải thiện toàn diện các thủ tục hành chính liên quan về đất đai…
Cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lê Trí Thanh cũng chỉ ra những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh: Cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số; bố trí đầu tư công hợp lý giữa đáp ứng nhu cầu hiện tại với những công trình trọng điểm, mang tính dẫn dắt, thu hút đầu tư; thu hút đầu tư phải thận trọng, không nóng vội, đặc biệt các dự án thu hút đầu tư không làm ảnh hưởng môi trường…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những tham luận giải pháp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh.
“Đây sẽ là cơ sở lý luận khoa học cần thiết để tỉnh Quảng Nam có những hướng đi đúng, trọng tâm, hiệu quả trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030”- đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.