Trồng sắn cao sản giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo
(QNP) - Thời gian qua, cùng với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của Đảng - Nhà nước, đồng bào thiểu số tại huyện Phước Sơn đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Thay đổi diện tích trồng keo lá tràm kém hiệu quả sang mô hình trồng sắn tại xã Phước Công là một điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế khá hơn so với trước rất nhiều.
Trước đây bà con nhân dân trên địa bàn xã Phước Công đa phần dành đất trống đồi trọc đưa vào trồng cây keo. Thời gian thu hoạch phải tới 5 năm rồi còn nguy cơ thiệt hại do gió bão khiến gãy đổ, chi phí khai thác cũng tốn kém nhiều. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm tham gia mô hình trồng sắn theo nhóm hộ, anh Hồ Văn Phòng, đồng bào Giẻ Triêng ở thôn 2 xã Phước Công huyện Phước Sơn đã dần quen với cách thức canh tác hiện đại như khâu làm đất, quá trình chăm sóc cây trồng…
“So với trồng cây keo như trước thi mô hình trồng sắn này thuận lợi vì cây sắn ngắn ngày, thích hợp với đất đồi nương rẫy, thu nhập cao hơn, hiện nay là như vậy. Dễ trồng dễ chăm sóc, trong vòng 6-9 tháng được thu hoạch, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích” – anh Phòng cho biết.
Mô hình trồng sắn cao sản theo nhóm hộ tại thôn 2, xã Phước Công được Hội Nông dân huyện Phước Sơn chọn triển khai làm điểm trên địa bàn xã nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong đồng bào thiểu số nơi đây. Mô hình này có 15 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia. Không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật, người dân còn phát huy tinh thần đoàn kết qua việc đổi công thay phiên nhau chăm bón.
Hơn thế nữa, qua việc chuyển đổi từ trồng keo sang trồng sắn, người dân còn tiết kiệm thời gian canh tác. Cụ thể, nếu trồng keo, phải mất từ 4 đến 5 năm, thì nay, khi chuyển qua trồng sắn, người dân chỉ mất khoảng 7-12 tháng là có thể thu hoạch, trung bình hơn 20 triệu đồng/hộ/ha.
Kết quả bước đầu đã có 2 hộ thoát nghèo trong năm 2023 và nhiều hộ cũng đang tiến đến mục tiêu thoát nghèo năm 2024, trong đó có gia đình anh Hồ văn Đơ.
Anh Đơ cho biết, mô hình trồng sắn theo nhóm hộ được thành lập hơn 1 năm qua. Ban đầu bà con cũng e ngại khi phải thay thế cây keo và cây dài ngày. Tuy nhiên thấy được hiệu quả từ cây sắn nên đã đồng tình hưởng ứng.
“Hôm nay nhóm giúp giúp hộ ni, ngày hôm sau tiến hành giúp hộ gia đình thứ 2. Cứ thế cả nhóm quay vòng giúp công cho nhau để trồng sắn, làm cỏ cho tới thu hoạch. Mình trồng theo nhóm tập trung như vậy dễ chăm sóc và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thuận lợi cho việc thu hoạch bán cho thương lái. Vụ vừa rồi sắn có giá 1.800đ – 2.500đ/kg. Trồng 1 ha thời gian 1 năm năng suất đạt gần 20 tấn, thu được gần 40 triệu đồng” - anh Đơ cho biết.
Còn theo ông Hồ Văn Mé - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Công cho biết, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tham gia nhóm hộ để vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Khi thực hiện mô hình này, bà con rất đoàn kết để chia sẻ kinh nghiệm. Mô hình này làm hiệu quả hơn so với keo. Mình trồng sắn một năm năm cho thu nhập gấp 2-3 lần so với trồng cây keo. Hiện nay bà con cũng đang thành lập mô hình này ở thôn 1 để đem lại thu nhập hiệu quả, xây dựng nông thôn mới, giảm bớt hộ nghèo, cận nghèo”.
Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm là chủ trương chung của huyện Phước Sơn. Từ những mô hình, cách làm cụ thể ở từng địa phương, mỗi ngành, đoàn thể đều có cách làm sáng tạo, từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức, vươn lên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững…