Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới

Tổng quan về đường biên giới Việt Nam - Lào

THÚY HẰNG 08/11/2024 09:14

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc.

Đường biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337,459km, đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới Lào là Phông Sa Lý, Luông Pha Bảng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bo Ly Khăm Xay, Khăm Muốn. Sa Vẫn Nạ Khệt. Sả Lạ Vân, Xê Kông và Ất Tạ Pu.

anh-2-1-.jpg
Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam (Việt Nam) và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) tuần tra song phương đoạn biên giới từ mốc 691 đến 702.

Địa hình khu vực biên giới Việt Nam - Lào là một dải núi rừng trùng điệp, hiểm trở và rất phức tạp. Dọc theo biên giới phần lớn có rừng già che phủ, có một vài nơi xen kẽ bình nguyên, thung lũng với những thảm thực vật thưa và thấp. Trên thực địa, đường biên giới di theo các dạng địa hình rất phức tạp, trừ các đoạn biên giới đi theo sông suối, còn lại đều đi trên các sống núi và triền núi cao của dãy Phu Xam Xâu và Trường Sơn, nhiều nơi đường biên giới không đi theo các sống núi liên tục, tạo thành đường thẳng cắt qua mọi địa hình.

Dân cư sinh sống ở vùng biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu là nhân dân các dân tộc ít người, mật độ dân cư cư trú, sinh sống ở hai bên đường biên giới khá thưa thớt, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn có một số ít bộ phận dân cư sống du canh, du cư, trình độ lạc hậu, một bộ phận bà con còn chưa thạo tiếng phổ thông, chưa có ý thức rõ ràng về biên giới, lãnh thổ. Thực tế đó đã gây không ít khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ đường biên giới và mốc quốc giới cũng như việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân cư trú trong khu vực biên giới học tập, tìm hiểu các quy định pháp luật về biên giới lãnh thổ.

Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng cùng nằm trên bán đào Đông Dương. Nhân dân hai nước đã gắn bó với nhau trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, có mối quan hệ láng giềng thân thiện, có truyền thống hữu nghị từ lâu đời. Mặc dù là hai quốc gia có quá trình lập quốc khác nhau, nhưng do có chung các dải núi cao từ Phu Xam Xâu đến dãy Trường Sơn, cho nên biên giới giữa hai nước cơ bản đã hình thành trên thực tế và nhìn chung đều được chính quyền địa phương và nhân dân hai Bên thừa nhận, tôn trọng. Tuy nhiên, biên giới giữa hai nước cũng trải qua nhiều biến động.

Từ cuối thế kỷ XIX đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, chính quyền thực dân Pháp đã đàm phán, ký kết hiệp ước biên giới với Trung Quốc và Thái Lan để xác lập đường biên giới của xứ Đông Dương thuộc Pháp trong thời kỳ cận đại. Chính quyền thực dân Pháp cũng đã ấn định đường biên giới hành chính giữa các xứ thuộc địa Việt Nam - Lào - Campuchia căn cứ theo đường ranh giới tập quán tử lâu hình thành trong lịch sử. Đối với biên giới Việt - Lào, sự phân định chỉ được thực hiện ở đoạn ranh giới giữa Ai Lao và Trung Kỳ (thực tế cũng chỉ thực hiện được một phần). Cụ thể, ngày 27/12/1913, có quyết định thành lập Ban phụ trách tiến hành phân định biên giới giữa Trung Kỳ và Lào (từ Hà Trại đến ngã ba Việt - Lào - Cao Miên), nhưng cho đến ngày 12/10/1916, khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định ấn định biên giới giữa Trung Kỳ và Lào cũng chỉ xác định rõ biên giới từ Hà Trại đến Thừa Thiên, còn đoạn phía Nam chưa bàn (ấn định sau). Như vậy, toàn bộ phần biên giới Việt - Lào còn lại chưa được Pháp phân định. Cho đến năm 1945, ranh giới hành chính giữa các xử trong Đông Dương đã dần dần ổn định trên thực tế và được người Pháp thể hiện trên các bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000. Sau khi Việt Nam và Lào cũng giành được độc lập, ranh giới hành chính giữa các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao đã trở thành đường biên giới do lịch sử để lại giữa hai nước Việt Nam và Lào. Do được hình thành trong lịch sử và trải qua quá trình quản lý lâu dài, nên phần lớn đường biên giới do lịch sử để lại này cơ bản đã được hai Bên (Việt Nam và Lào) thừa nhận.

Năm 1975, Việt Nam thống nhất, Lào cũng giành được thắng lợi trong cả nước; vấn đề biên giới giữa hai nước có điều kiện thuận lợi để giải quyết. Từ năm 1976-1977, Việt Nam và Lào đã tiến hành đàm phán hoạch định đường biên giới giữa hai nước và kết quả là hai bên đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào ngày 18/7/1977. Thực hiện Hiệp ước hoạch định năm 1977, hai Bên đã phối hợp tiến hành phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới từ năm 1978 và đã hoàn thành được toàn bộ công tác giải quyết vấn đề biên giữa hai nước, trong đó đã cắm 199 vị trí mốc với 214 cột mốc trên thực địa (trung bình khoảng 12km có một vị trí mốc).

Kết quả của quá trình này được ghi nhận bằng các văn kiện pháp lý gồm: Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào (1986); Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào về việc điều chỉnh đường biên giới tại một số khu vực (1986); Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cầm mốc biên giới Việt Nam - Lào (1987); Hiệp ước xác định giao điểm ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc (2006); Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào (2007); Hiệp ước xác định giao điểm ba đường biên giới Việt Nam- Campuchia-Lào(2008).

Như vậy, trải qua hơn 30 năm (1977-2008) với muôn vàn khó khăn và phức tạp, hai Bên dã phân định được một đường biên giới chính thức trên thực địa, đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, phù hợp với luật pháp quốc tế, tạo thuận lợi cho hai Bên xây dựng thành công đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị và cùng phát triển.

THÚY HẰNG