Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Nuôi dúi để thoát nghèo

THANH THÚY 09/11/2024 16:40

(QNP) - Nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi dúi, anh Hồ Văn Hạnh, đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn đã từng bước tiếp cận với việc nuôi loài gặm nhấm này, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Dúi hay còn gọi là cúi núi, là loài dễ nuôi, thức ăn có sẵn ở vùng nông thôn, miền núi nên chi phí thấp. Nuôi dúi ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị kinh tế cao và thị trường đầu ra luôn tiêu thụ mạnh.

Bắt đầu triển khai nuôi con dúi từ năm 2018, anh Hồ Văn Hạnh nuôi thử nghiệm vài cặp dúi bắt được ngoài rừng, qua quá trình thuần hóa, anh Hạnh bắt đầu nhân rộng đàn dúi bởi đây là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, theo anh Hạnh, đối với những người mới bắt đầu nuôi cần học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước, nắm bắt bệnh, thức ăn bổ sung…nếu không sẽ khó thành công.

0f0160499cc0249e7dd1.jpg
Anh Hạnh chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi.

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, anh Hạnh chia sẻ, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100 mét vuông có thể nuôi được trên dưới 400 con dúi. Chuồng có thể xây hoặc sử dụng gạch men lát nhà kích thước 60 x 60 cm dựng lên thành ô vuông. Đặc biệt, chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Thức ăn cho dúi cũng đa dạng như: thân cây tre, chít, ngô, sắn, mía... song phải sạch, không được dính nước mưa để dúi không mang bệnh.

“Thức ăn cho dúi rất quan trọng. Nếu thức ăn không đảm bảo dúi sẽ bị bệnh lông vàng và ngày càng ốm và khó tăng cân. Chuồng trại thì lâu lâu cũng phải dọn vệ sinh cho sạch sẽ, để tạo không gian sống cho dúi phát triển. Muốn nuôi dúi thì mình phải chọn giống tốt và cần những người nuôi thành công để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật. Vì nếu mua giống mới thuần từ tự nhiên thì nó phát triển kém.Bà con có có nhu cầu nuôi thì tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp giống chuẩn để phát triển, cùng nhau thoát nghèo”.

Dúi giống đưa vào nuôi cũng rất nhanh lớn. Mỗi con dúi cái đẻ từ 3-4 lứa/năm, số lượng từ 1-5 con/lứa. Sau 2-2,5 tháng bú sữa mẹ và được bổ sung thức ăn, dúi con đạt trọng lượng từ 450-500 gram/con là có thể xuất đàn. Còn nếu nuôi tiếp khoảng 6 tháng thì có thể xuất bán dúi thịt với trọng lượng từ 1kg đến 1,2kg/con.

Hiệu quả của mô hình nuôi dúi không chỉ giúp gia đình anh Hạnh nâng cao thu nhập mà còn là điểm đến để bà con đồng bào tham quan, học hỏi nhân rộng mô hình. Bởi dúi có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm, gia đình anh Hạnh thu về trên 50 triệu đồng từ nuôi dúi. Mô hình kinh tế hiệu quả này cũng đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trong chăn nuôi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững ở các địa phương.

untitled.jpg
Nuôi dúi cho thu nhập cao để đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn Vũ Đình Cuối cho biết, hiện nay phong trào nuôi dúi trên địa bàn huyện được nhiều nông hộ quan tâm. Hội cũng đã tuyên truyền, vận động bà con tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ nhà nước để đầu tư làm chuồng trại và mua dúi giống về nuôi.

“Bản chất con dúi này là nó sinh sống ngoài tự nhiên nên bà con rất quen thuộc, từ xa xưa tới nay đồng bào vẫn hay săn bắt dúi về làm món ăn. Nhờ chất lượng thịt ngon và thơm nên dúi được tiêu thụ khá mạnh, nuôi nhiều vẫn không sợ khó khăn đầu ra. Việc nuôi dúi cũng không tốn công sức nhiều. Vì vậy nên bà con cũng rất yên tâm phát triển”.

Dúi nuôi mang lại giá trị cao, thị trường tiêu thụ tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Mô hình nuôi dúi trên địa bàn huyện Phước Sơn nói riêng, Quảng Nam nói chung đang mở ra tiềm năng phát triển kinh tế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, qua đó góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững thời gian đến.

THANH THÚY