Tin tức

Quảng Nam: Kinh tế nông nghiệp từng bước thích ứng với BĐKH và nhu cầu thị trường

THÚY HẰNG 20/11/2024 17:18

(QNP)-Chiều ngày 20/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ Kế hoạch ngành năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích chủ trì hội nghị.

img_8984.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Vũ- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ, Kết luận số 91-KL/TU Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm, khóa XXII về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo sản xuất, phát huy tối đa các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, Nghị quyết để phát triển ngành, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

img_8988.jpg
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Vũ báo cáo tại hội nghị.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh. Giá trị sản xuất NLTS năm 2024 ước đạt 16.235,6 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: nông nghiệp đạt 9.775,6 tỷ đồng, tăng 4,03%; lâm nghiệp đạt 1.924,3 tỷ đồng, tăng 5,14%; thủy sản đạt 4.535,7 tỷ đồng, tăng 1,01%.

Toàn ngành thống nhất từ tư tưởng đến hành động, thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 04 năm (2021-2024) dự kiến đạt 3,4%/năm.

Kinh tế vườn, kinh tế trang trại được các cấp, ngành, địa phương, quan tâm nhiều hơn. Nhiều địa phương như Tiên Phước, Phú Ninh, Nông Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức... đã ưu tiên dành nguồn lực, tạo điều kiện cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại có bước phát triển khá về số lượng, quy mô, gia tăng về giá trị sản xuất.

z6051846242084_c0d7c943fdcf2d85595a084bce7478cd.jpg
Nhiều mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch được triển khai hiệu quả.

Nông nghiệp, nông thôn bước đầu đã có sự kết nối, gắn kết với du lịch (sinh thái, cộng đồng…) có hiệu quả, hiện nay có trên 128 điểm/khu/làng du lịch nông thôn có khả năng thu hút và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vừa phát huy và bảo tồn giữ gìn văn hóa, lịch sử, ẩm thực truyền thống, tạo điều kiện tiếp cận và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, ngành nghề truyền thống địa phương, sản phẩm đặc sắc vùng miền, sinh thái nông nghiệp... đây là nội dung quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Cùng với đó, hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Công tác quản lý chất lượng và ATTP hàng nông sản tiếp tục được tăng cường. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số…

Screenshot 2024-11-20 161758
Sản lượng lúa cả năm 2024 đạt trên 485 nghìn tấn, tăng 19,8 nghìn tấn (+4,3%) so với năm 2023.

Đối với Chương trình xây dựng NTM, tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 16,37 tiêu chí/xã. Có 129/193 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 66,84%. Đã có 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh hiện có 279/948 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư/thôn NTM kiểu mẫu/thôn NTM, tỷ lệ đạt 29,4%...

Năm 2025, Ngành NN&PTNT tiếp tục tập trung giữ vững tốc độ phát triển, chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

img_8998.jpg
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam nhận định tình hình thời tiết trong thời gian tới.

Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông nghiệp bền vững, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi hệ thống nông nghiệp, lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững). Phấn đấu hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.

Tại hội nghị, đại diện các Chi cục thuộc Sở, các địa phương cũng đã tham gia thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình tiêu biểu trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025…

img_8981.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm 2024. Định hướng nhiệm vụ năm 2025, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu ngành Nông nghiệp bám sát chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương và thúc đẩy hợp tác sản xuất theo chuỗi ngành hàng và liên kết giữa các vùng. Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, trang trại; thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Song song đó, tiếp tục triển khai công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp, hỗ trợ các mô hình sản xuất ứng dụng chuyển đổi số ở các chủ thể doanh nghiệp, HTX, trang trại, nhóm hộ sản xuất; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành trên các lĩnh vực: Trồng trọt và BVTV, chăn nuôi và thú y, quản lý tàu cá và quản lý chất lượng vệ sinh ATTP nông sản. Đồng thời, triển khai xây dựng mới cơ sở dữ liệu quản lý ngành lâm nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn, các cơ sở dữ liệu kết nối ngành cấp trên đảm bảo, thực thi kết quả...

THÚY HẰNG