Đồng bào thiểu số làm chổi đót để tăng thu nhập
(QNP) - Phước Công là một trong những xã khó khăn của huyện Phước Sơn. Thời gian qua, cùng với các nguồn lực của Nhà nước, việc tiếp cận những chủ trương, chính sách mới đã lan tỏa trong người dân. Trong đó có việc phát huy nghề làm chổi đót để nâng cao thu nhập đồng bào dân tộc thiểu số.
Phước Sơn là địa bàn huyện miền núi cao, nơi đây có cây đót phát triển tự nhiên với diện tích rất lớn. Hằng năm, đồng bào thiểu số ở huyện tranh thủ mùa đót ra bông (thường trúng vào dịp tết nguyên đán) để thu hoạch đem về phơi, bán cho thương lái ở miền xuôi kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, do là bán ở dạng nguyên liệu thô nên giá cả rất thấp và luôn bị chèn ép.
Nhận thấy tiềm năng từ bông đót, năm 2019, bà Lê Thị Minh Chinh ở thôn 2, xã Phước Công huyện Phước Sơn bắt đầu mày mò làm chổi đót. Cơ duyên đến với nghề một cách tự nhiên, trong lần chổi của gia đình bị hỏng, bà Chinh bắt đầu tự mày mò để có dụng cụ sử dụng trong gia đình. Song niềm đam mê với cây chổi đã giúp bà Chinh gắn bó cho đến thời điểm này. Theo bà Chinh, làm chổi đót không khó nhưng quan trọng nhất là phải tỉ mỉ trong khâu bó chổi, từ đó mới tạo ra sản phẩm đẹp mắt và chất lượng.
“Tôi làm chổi được 5 năm rồi. Bông đót thì tôi mua trong xã và các xã lân cận với giá 5 nghìn đồng/1kg tươi, sau đó đem về phơi khô. Chổi mình làm chắc chắn, mẫu mã đẹp nên thị trường thị hiếu, thương lái đến đặt hàng nhiều” – bà Chinh chia sẻ.
Nếu triển khai liên tục, mỗi ngày bà Chinh làm ra khoảng 30 cây chổi với giá bán 35 nghìn đồng/cây. Nỗ lực duy trì ổn định thì đây là nghề mang lại thu nhập khá. Những lúc rảnh rỗi, bà Lê Thị Minh Chinh còn hướng dẫn cho các chị em trong thôn đến tìm hiểu, học nghề, từng bước cải thiện thu nhập sau thời gian nhàn rỗi.
“Ban đầu thì thấy cũng khó vì phải tước bông đót cho đều, rồi dùng dây mây buộc lại cho đẹp và chắc chắn. Nhưng làm một thời gian sau thì quen tay và làm cũng rất nhanh. Thấy làm chổi đót bán có tiền nên cũng rất thích. Ban đêm hoặc những ngày mưa rảnh rỗi thì mình làm để thêm thu nhập gia đình” – Bà Hồ Thị Sâm ở Phước Công cho biết.
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương, chổi đót Phước Công mang đặc trưng riêng. Trong đó, ấn tượng là khâu bó chổi, tạo độ chắc chắn cho cây chổi. Nhìn nhận được tiềm năng phát triển của chổi đót nói riêng và nghề đan lát, nghề rèn nói chung, xã Phước Công đã xây dựng khu vực bảo tồn và phát huy giá trị các ngành nghề truyền thống. Đây cũng là điều kiện để thương hiệu chổi đót Phước Công vươn xa.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Công Hồ Văn Hải cho biết, để phát huy nghề truyền thống, Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền trong bà con, thường xuyên nghĩ ra cách làm mới đem lại hiệu quả cao trong công tác xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi luôn tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ để tạo điều kiện cho bà con chăm lo làm ăn, phát huy sức sáng tạo để thu nhập luôn tăng cao.
Thương hiệu chổi đót xã Phước Công đang dần tạo được thương hiệu trên thị trường với lượng khách hàng trong và ngoài địa phương ưa chuộng. Tin tưởng rằng, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự thay đổi nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt qua việc gìn giữ nghề của bà Lê Thị Minh Chinh, chổi đót Phước Công sẽ ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho đồng bào địa phương, góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững tại xã Phước Công nói riêng, huyện Phước Sơn nói chung.