Lịch sử phát hiện cây sâm Ngọc Linh
(QNP) - Năm 1970, tôi được Bộ y tế cử vào Trường Sơn tìm cây thuốc phục vụ cho cuộc chống Mỹ cứu nước. Trải qua rất nhiều trắc trở do cuộc chiến tranh đặt ra như: bom mìn, cạm bẫy thú dữ… đến 09 giờ sáng ngày 19/3/1973 chúng tôi đã phát hiện cây nhân sâm Ngọc Linh đầu tiên ở độ cao 1.800m.
Suốt 3 tháng đi bộ dọc Tây Trường Sơn, rồi sau đó đi sang Đông Trường Sơn đến các vùng Duyên Hải Miền Trung Việt Nam. Các cuộc đi ấy chúng tôi đã thống kê một danh mục cây thuốc Trung Trung Bộ gồm khoảng 800 cây thuốc và đưa chúng vào phòng và chữa bệnh cho quân và dân vùng giải phóng miền Trung Trung Bộ .
Đến tháng 6 năm 1972 một Đại hội Dược liệu toàn khu được tổ chức tại Trà My. Đại hội đã nghe tôi báo cáo về Dược liệu các tỉnh Miền Trung và nhận định ngọn núi Ngọc Linh là núi tổ của Trường Sơn, có thể tìm được các loại sâm dùng làm thuốc bổ phục vụ cho thương bệnh binh. Ông Võ Chí Công - Chủ tịch Chính phủ lâm thời tại miền Trung Trung Bộ đã quyết định cho Ban Y tế Khu thành lập ngay đoàn điều tra dược liệu núi Ngọc Linh với mục tiêu là tìm các loại sâm. Tôi được chỉ định làm trưởng đoàn.
Ngày 15/10/1972, khi đã hết mùa mưa, đoàn chúng tôi lên đường. Trải qua rất nhiều trắc trở do cuộc chiến tranh đặt ra như: bom mìn, cạm bẫy thú dữ… đến 09 giờ sáng ngày 19/3/1973 chúng tôi đã phát hiện cây nhân sâm Ngọc Linh đầu tiên ở độ cao 1.800m (so với mực nước biển), đánh dấu một bước ngoặt mới về nhận thức rằng các loại sâm thuộc chi Panax chỉ có thể ở vĩ độ 17 trở lên; Nhưng núi Ngọc Linh ở vĩ độ 15 vẫn có một loài Nhân sâm được phát hiện. Trải qua hàng triệu năm thích nghi và tiến hóa với đặc điểm riêng biệt về thổ nhưỡng, khí hậu quần thể, quần lạc, thực vật núi Ngọc Linh… đã tạo ra một loài Nhân sâm đặc biệt. Nhiều công trình khoa học trong nước và thế giới đã chứng minh rằng sâm Ngọc Linh là bảo vật duy nhất của Việt Nam và Thế giới…
Đến nay, sâm Ngọc Linh đã được hơn 50 năm sau khi phát hiện(19/3/1973); trên đất nước Việt Nam nhiều loài sâm khác tương tự đã được phát hiện như sâm Lai Châu, Sâm Tây Côn Lĩnh trên dãy Hoàng Liên Sơn. Sâm Ngọc Linh còn được di thực đi nhiều nơi như Đà Lạt, Sa Pa… Ngoài ra do cuộc cách mạng xanh của các nhà khoa học đã điều khiển ánh sáng nước tưới và phân bón để rút ngắn thời gian hình thành các loại Saponin là hoạt chất đặc biệt của sâm Ngọc Linh, nhằm hạ giá thành và cạnh tranh với các loại sâm trên thị trường. Nhưng các loại sâm ấy không bao giờ đạt được ước muốn thay thế Sâm Ngọc Linh mọc trên núi Ngọc Linh vẫn là số 1, mãi vẫn là Quốc bảo của Việt Nam. Là báu vật của nền Y khoa thế giới.
Đảng bộ và Nhân dân 02 tỉnh Quảng Nam và Kom Tum vẫn hàng ngày phát triển, nhân giống sâm Ngọc Linh ngày một tốt hơn, thuần chủng hơn. Số lượng ngày một nhiều hơn.
Vì tính chất hiểm trở đặc biệt của núi Ngọc Linh, các cây sâm Ngọc Linh hoang dại vẫn âm thầm phát triển trên các vách đá cheo leo. Hàng năm vẫn tung hạt theo các dòng nước đi khắp các vùng trên ngọn núi hùng vĩ này!!