Quảng Nam: Tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm hơn 315 tỷ đồng
(QNP)-Ngày 04/12, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn đề nghị các Sở, Ban, ngành liên quan, các địa phương, đơn vị sử dụng lao động chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến hết tháng 10/2024, tình hình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh tuy đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN trên toàn tỉnh là 315,533 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của khối doanh nghiệp hơn 244,861 tỷ đồng; số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của các đơn vị hành chính - sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn… hơn 21,523 tỷ đồng; còn nhiều đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện trách nhiệm trích đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng theo quy định, để số tiền chậm đóng kéo dài; gây khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ giao và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; nếu không khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn.
Để tăng cường công tác thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng chậm đóng BHXH.
Cụ thể, UBND tỉnh giao các Sở, Ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các chế độ, chính sách, pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động và BHXH tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT để kịp thời khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng. Thông tin công khai, minh bạch các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Đối với những đơn vị có dấu hiệu về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự thì hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu để kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố theo quy định của pháp luật.
Chủ động các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, truy tố, xét xử các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật hình sự về các tội “Tội gian lận BHXH, BHTN”; “Tội gian lận BHYT”; “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” theo đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh: Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký tham gia, trích đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời hàng tháng, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động. Yêu cầu thực hiện ngay việc đóng BHXH, BHYT, BHTN; không để tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để người lao động khiếu kiện về nợ tiền lương, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.