Tin sở - ngành

Ngành Tư pháp tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025

THU THỦY 17/12/2024 13:58

(QNP)- Sáng ngày 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh thành cả nước nhằm đánh giá công tác tư pháp năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành Trung ương. Về phía tỉnh Quảng Nam, có sự tham dự của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cùng đại diện các Sở, Ban, ngành liên quan.

z6137578727486_0da795b0b919c0bf75ddc4a37c8bbb29.jpg
Điểm cầu Quảng Nam.

Năm 2024, toàn ngành Tư pháp tiếp tục đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua những khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực và từng bước có nhiều đổi mới; công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.

Trong năm, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thông qua 28 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành trên 4.800 VBQPPL cấp tỉnh.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được triển khai thực hiện nền nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân. Năm 2024, các địa phương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho gần 1,44 triệu trường hợp (giảm 7,8% so với năm 2023), đăng ký khai sinh lại cho trên 434 nghìn trường hợp (giảm 18% so với năm 2023), đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 8.652 trường hợp; đăng ký khai tử cho trên 654 nghìn trường hợp (giảm 1,2% so với năm 2023); đăng ký kết hôn cho trên 616 nghìn trường hợp (giảm 3,6% so với năm 2023).

Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Trong đó, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng; thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng …

Tại hội nghị, bên cạnh chia sẻ các kết quả đạt, các đại biểu cũng tập trung nêu lên một số tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực công tác cụ thể, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong công tác tư pháp năm 2024.

Trong năm 2025, thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Kịp thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh”. Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của Bộ, ngành; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

THU THỦY