Hội nhập quốc tế

Quảng Nam phát triển du lịch xanh

BÍCH THUẬN 15/12/2024 13:37

(QNP) - Thời gian qua, Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư du lịch nông thôn, du lịch xanh, xây dựng các điểm đến và sản phẩm du lịch mới, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Khai mở các điểm đến chất lượng

Bên cạnh các di sản văn hóa thế giới cùng hệ thống di tích và văn hóa phi vật thể phong phú, thu hút khách du lịch và bãi biển đẹp, Quảng Nam có nhiều làng quê, làng nghề vẫn còn giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời như: Làng mộc Kim Bồng, làng Triêm Tây, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng trống Lam Yên, làng nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu...

Quảng Nam cũng là mảnh đất chứa đựng văn hóa ẩm thực rất phong phú với nhiều món ăn nổi tiếng như: Mỳ Quảng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), bê thui Cầu Mống, cao lầu, bánh ít lá gai Hội An, yến sào Cù Lao Chàm...

lang rau tra que
Làng rau Trà Quế nhìn từ trên cao.

Quảng Nam có 128 điểm du lịch nông nghiệp nông thôn; trong đó, có nhiều điểm du lịch hoạt động hiệu quả như: Làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, làng mộc Kim Bồng, Cù Lao Chàm, làng chài Tân Thành (Hội An)...

Theo khảo sát, ước tính hơn 30% số du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu nhất là điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, Hội An), năm 2023, thu hút gần 1 triệu lượt khách, với doanh thu từ việc bán vé tham quan hơn 27 tỷ đồng...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Hồng cho biết, để khai phóng tiềm năng, thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và là tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh.

Quảng Nam đã xây dựng được môi trường du lịch bền vững, du lịch “không rác thải nhựa”. Tại thành phố Hội An, chính quyền đã khởi động chương trình không sử dụng túi ni-lông tại Cù Lao Chàm từ năm 2009; nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú tại Hội An đã sử dụng nước uống đóng chai thay cho chai nhựa. Ðây là những động thái tích cực hướng tới các giá trị nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.

“Thời gian tới, ngành du lịch Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tỉnh sớm có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp, cộng đồng du lịch tham gia phát triển sản phẩm; đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Bộ tiêu chí về điểm du lịch nông thôn nhằm tạo ra sản phẩm du lịch nông thôn đặc sắc, thu hút du khách và thúc đẩy kinh tế phát triển” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.

Nỗ lực phát triển du lịch xanh

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, du lịch xanh trong những năm gần đây đã và đang là một xu hướng phát triển tất yếu của du lịch toàn cầu, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch, của các doanh nghiệp du lịch nói riêng cũng như cộng đồng xã hội nói chung.

BI THU PHAT BIEU DU LICH NONG THON
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn được tổ chức tại Quảng Nam vào tháng 12/2024.

Từ năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu đưa ra thông điệp nhất quán về phát triển du lịch xanh, hướng đến yếu tố bền vững và sau đó trở thành địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh. Hơn 05 năm qua, Quảng Nam vẫn đang nỗ lực đưa ngành du lịch địa phương phát triển theo định hướng du lịch xanh, nhờ đó, các điểm đến tại Quảng Nam đã và đang ngày càng thu hút du khách, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế; đồng thời góp phần thực hiện Du lịch Net zero theo lộ trình cam kết của Chính phủ Việt Nam. Tháng 4/2023, chuyên trang du lịch Wanderlust của Anh đã lựa chọn Quảng Nam là một trong bốn điểm đến du lịch xanh hàng đầu châu Á, với những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường.

“Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, ngành du lịch là nền tảng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Quảng Nam tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Được biết, du lịch nông nghiệp nông thôn tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết các địa phương toàn tỉnh, hiện nay có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như: Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, Làng mộc Kim Bồng (Hội An), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu (Nam Giang)… Ước tính, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý, cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế.

Phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi đó là: (i) Luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; (ii) Cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư trong phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương.

BÍCH THUẬN