Hội nhập quốc tế

Hội An: Điểm đến hấp dẫn của thế giới

BÍCH THUẬN 12/12/2024 14:11

(QNP) - Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An qua 25 năm đã khẳng định giá trịvề văn hóa, kiến trúc và du lịch. Hội An đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống đương đại, trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Dấu ấn di sản

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, 25 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới - một chặng đường có thể vẫn còn quá ngắn trong chiều dài hàng trăm năm hình thành, phát triển của Đô thị cổ Hội An. Nhưng cuộc hành trình 25 năm qua mang đậm dấu ấn một thời kỳ mới của Hội An - thời kỳ các gía trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy tỏa sáng, thăng hoa.

"Các thế hệ tiền nhân Hội An tạo dựng nên đô thị - thương cảng quốc tế một thời phồn thịnh, để lại cho con cháu đời sau những di sản vô gía. Rồi đến các thế hệ con người Hội An tiếp nối, không chỉ biết "gìn vàng giữ ngọc", mà còn sáng tạo nên những gía trị mới làm cho di sản ông cha tạo dựng thêm lung linh tỏa sáng, quê hương ngày càng có nhiều hoa gấm", ông Lanh cho hay.

Ông Lanh cho biết thêm, Di sản Văn hóa Hội An đã thực sự trở thành nền tảng, bệ phóng, động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch - dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân, mối quan hệ giữa việc bảo tồn di sản văn hóa với việc đáp ứng tối ưu các nhu cầu sống của cư dân đương đại đã được giải quyết một cách cơ bản...

ho quang buu
Theo Phó Chủ tịch UBND Hồ Quang Bửu, Hội An là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam thời gian gần đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, từ một đô thị phải vật lộn với quá nhiều khó khăn, nguy cơ sụp đổ các di tích dường như thường trực.

Cho đến nay, Đô thị cổ Hội An đã trãi qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, với vẻ đẹp lung linh nhưng vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính trong không gian quần thể kiến trúc đô thị truyền thống được bảo tồn gần như hoàn hảo; là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, khu vực và quốc tế...

"Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống đương đại. Từ đó, góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030, hướng đến xác lập vai trò Hội An là động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của Khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kỳ vọng.

Thành phố sáng tạo toàn cầu

Thực tế, không chỉ nổi tiếng với những dấu ấn kiến trúc, văn hóa, đô thị cổ Hội An còn là điểm đến thu hút các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Trên hành trình khẳng định và phát huy giá trị “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, Hội An đặt người dân làm trung tâm, động lực của sáng tạo. Đây là cơ hội để thành phố phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển, làm tốt công tác bảo tồn và gìn giữ di sản.

hoi an
Hội An trên cao.

Trong cam kết tham gia Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” toàn cầu, Hội An xây dựng dự án “Hội An ngôi nhà sáng tạo”. Theo dự án này, Hội An sẽ hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo, chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và thực hành sáng tạo; kết nối với các thành viên của mạng lưới, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân… tiêu biểu trong nước và quốc tế đang sinh sống tại Hội An, tổ chức chương trình “Đại học không giảng đường”…

Theo kế hoạch, định kỳ ba năm một lần, thành phố sẽ chủ trì hoặc đăng cai tổ chức mời các thành viên trong mạng lưới tham gia Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế tại Hội An. Dự kiến lần thứ nhất tổ chức vào tháng 3/2025 gắn với kỷ niệm 50 năm Giải phóng Hội An.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nói: “Trong cam kết tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu có một dự án mà UNESCO rất hoan nghênh, đó là dự án “Hội An ngôi nhà sáng tạo”, tức là Hội An kết nối, quy tụ các chủ thể sáng tạo. Vấn đề ở đây là làm sao kết hợp được tất cả nguồn lực văn hóa, di sản văn hóa, kể cả văn hóa bản địa, những giá trị của văn hóa làng quê được chấn hưng và được truyền cảm hứng”.

Rõ ràng, một khi quy tụ được các chủ thể, “Ngôi nhà sáng tạo” sẽ thực sự đa sắc màu và Hội An là nguồn cảm hứng vô tận cho những tâm hồn sáng tạo, từ đó lan tỏa các giá trị văn hóa toàn cầu.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá, Hội An là minh chứng cho vai trò quan trọng của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc gìn giữ những giá trị di sản quý báu. Hơn thế nữa, Hội An là một ví dụ tiêu biểu cho việc bảo tồn di sản văn hóa đi liền phát triển kinh tế - xã hội.

"Hội An đã trở thành một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của Việt Nam cũng như trên thế giới trong công cuộc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội. Cách tiếp cận này không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa, tính tự chủ của cộng đồng mà còn đảm bảo tính bền vững thông qua sự tham gia tích cực của người dân địa phương”, ông Jonathan Baker nói.

Theo ông Jonathan Baker, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, UNESCO đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm nhân rộng kinh nghiệm thành công của Hội An đến các địa phương khác, kể cả với các điểm đến trên thế giới...

BÍCH THUẬN