Tin tức

Giải quyết vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 29 về hỗ trợ các đối tượng khó khăn

THÙY DUNG 24/12/2024 15:44

(QNP)-Chiều ngày 24/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan để nghe báo cáo các nội dung vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 29/2024/NQ-HĐND ngày 24/10/2024 của HĐND tỉnh.

Theo báo cáo của Sở LĐ - TB&XH tại cuộc họp, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 từ tháng 11/2024 đến nay, một số địa phương đã có phản ánh, kiến nghị hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc về tên bệnh hiểm nghèo khi chuyển từ Nghị quyết 43 sang Nghị quyết 29.

z6161211575902_3edb8d5074ceb526e82f3b82b5b8bd11.jpg
Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Đoàn Thị Hoài Nhi báo cáo tại cuộc họp.

Trước đây trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND ngoài 42 bệnh trong danh mục bệnh hiểm nghèo được hưởng chế độ hàng tháng, còn có các bệnh được Sở Y tế, Trung tâm Y tế cấp huyện xác nhận là bệnh tương đồng với 01 trong 42 bệnh hiểm nghèo, vì vậy toàn tỉnh đã có 5.180 đối tượng bệnh tương đồng hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND, nên kinh phí năm 2023 và 10 tháng năm 2024 tăng nhiều.

Qua rà soát, nhiều đối tượng có bệnh tương đồng, tên bệnh trong hồ sơ nộp cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội không khớp đúng với tên bệnh trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo theo Nghị quyết số 29/2024/NQ-HĐND, do đó không giải quyết chính sách và các địa phương hướng dẫn đối tượng bổ sung hồ sơ (gồm tóm tắt bệnh án, giấy ra viện), nếu đảm bảo đúng với 01 trong 42 bệnh hiểm nghèo tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2024/NQ-HĐND thì trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trợ cấp xã hội hằng tháng, đồng thời giải quyết các chính sách trợ giúp xã hội khác kèm theo, trong đó có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp, đối tượng không bổ sung được hồ sơ theo đúng yêu cầu và tên bệnh hiểm nghèo thì không giải quyết chính sách, nên đối tượng, người dân có tâm lý bức xúc.

z6161214441347_e5ea6301f664853d663d6c2ea225f166.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Sở LĐ - TB&XH cũng cho biết thêm, hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh có kết luận, chuẩn đoán bệnh theo mã bệnh theo chuẩn mã ICD-10 nên có nhiều tên bệnh không trùng khớp với tên bệnh trong danh mục bệnh hiểm nghèo. Có những bệnh gần đúng với tên bệnh; rất ít bệnh có tên bệnh đúng hoàn toàn như tên bệnh trong danh mục 42 bệnh nên cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện không thể tiếp nhận hồ sơ, đồng thời do không có chuyên môn về y tế nên không thể giải thích cho đối tượng; bên cạnh đó có một số ít cán bộ, công chức trong tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng và người dân chưa thấu đáo, gây phiền hà, nên một số đối tượng phải đi lại nhiều lần khi làm hồ sơ, tạo dư luận xã hội.

Theo thống kê của các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, hiện nay toàn tỉnh có 4.391 trường hợp gặp vướng mắc khi thực hiện hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 29.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn giao Sở LĐ - TB&XH rà soát, thống kê lại, đảm bảo đúng đối tượng theo Nghị quyết 29. Đồng thời giao Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn xác định bệnh hiểm nghèo và chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc trong xác định bệnh hiểm nghèo cho người dân khi khám, chữa bệnh tại cơ sở đúng danh mục bệnh theo Nghị quyết 29.

"Đây là chính sách nhân văn của tỉnh nhằm hỗ trợ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Theo đó, các Sở, ngành liên quan cùng các địa phương cần khẩn trương giải quyết những vướng mắc nêu trên; tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách các cấp nắm chắc nội dung quy định của Nghị quyết, đảm bảo giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho nhân dân"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

THÙY DUNG