Cây rỏi mật hơn 500 năm tuổi ở Tam Kỳ chính thức trở thành cây di sản
Chiều 21/2, tại khu vực Sông Đầm (TP.Tam Kỳ) diễn ra lễ công bố quyết định cây di sản Việt Nam (cây rỏi mật) và các hoạt động hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024.

Tham dự tại buổi lễ có GS-TSKH.Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung.
Tại buổi lễ, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã công bố quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam là “Cây Rỏi Mật” hơn 500 tuổi, ở thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (ngay gần Địa đạo Kỳ Anh).

Ngày xưa, gốc cây rỏi mật là nơi người dân nghỉ ngơi sau giờ làm đồng áng, sinh hoạt văn nghệ. Ngày nay, cây Rỏi Mật là nơi tham quan du lịch, điểm đến lịch sử để hiểu hơn về một thời kỳ gian lao nhưng vẻ vang của dân tộc. Việc công nhận Cây Rỏi Mật là Cây Di sản Việt Nam không chỉ là niềm tự hào nói riêng của người dân thành phố Tam Kỳ mà còn là minh chứng cho những nỗ lực trong quá trình bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các giá trị sinh thái và di sản văn hóa tại Quảng Nam nói chung. Cây Rỏi Mật không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, góp phần tạo cảnh quan xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên.

