Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia

TH 02/08/2023 19:16

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn tại cuộc họp đánh giá công tác phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 02/8.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cho biết, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh năm 2023 cấp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được UBND tỉnh phân bổ đến nay cho các đơn vị, địa phương là hơn 598,9 tỷ đồng, tỷ lệ 96,6%. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 160,3 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn năm 2022 chuyển sang và nguồn vốn được giao năm 2023. Tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn toàn tỉnh là 14 tiêu chí/xã; có 123 xã đạt chuẩn NTM, 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 214 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay UBND tỉnh đã phân bổ hơn 711,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95%. Tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm là hơn 96,7 tỷ đồng, đạt 8,49%. Trong 06 tháng đầu năm, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách giảm nghèo chung của quốc gia theo đúng quy định như: Chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng nguồn kinh phí được phân bổ hơn 755,7 tỷ đồng, số còn lại hơn 129,9 tỷ đồng sẽ được phân bổ chi tiết cho các dự án sau khi đảm bảo các thủ tục đầu tư. Đến nay, đã giải ngân được hơn 128,3 tỷ đồng. Chương trình đã góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Sở, ngành, địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc: Kế hoạch vốn phân bổ cho địa phương thực hiện có phần chậm trễ, đến cuối tháng 5/2022 mới phân bổ vốn năm 2022; một số quy định ban hành còn chồng chéo, trùng lặp phạm vi, đối tượng, nội dung, dẫn đến lúng túng cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; công tác chỉ đạo của một số địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, giá cả vật tư tăng cao nên nhiều chủ đầu tư chờ công bố giá quý I/2023; một số công trình, dự án thực hiện trên địa bàn miền núi vướng công tác GPMB liên quan về đất rừng…

Đánh giá tình hình giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, tỷ lệ giải ngân thấp, đáng nói, đến thời điểm này nhiều danh mục, dự án, tiểu dự án chưa khởi động. Theo tiến độ giải ngân này, nguồn vốn 2022 chuyển sang 2023 có nguy cơ sẽ bị thu hồi. Theo đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các Sở, ngành, địa phương cấp bách triển khai các phương án giải ngân nguồn vốn. Trong đó, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện các Chương trình, lồng ghép hiệu quả nguồn với các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn để thực hiện các mục tiêu. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực. Bố trí đầy đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình theo tiến độ. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về các nội dung, chính sách mới trong việc thực hiện các Chương trình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO